Điều đáng nói là các dẫn chất phthalate khác thường được dùng làm chất hóa dẻo cho các bao bì nhựa như chai, can, túi, bao, gói, đầu núm vú, bình sữa, đặc biệt có trong đồ chơi trẻ em bằng chất dẻo, nhựa như: đồ chơi búp bê đầu trái cây do Trung Quốc sản xuất. Trong quá trình sử dụng những sản phẩm đó, các dẫn chất phthalate bị trôi ra và theo đường tiêu hóa vào trong cơ thể con người. Trẻ nhỏ dùng bình sữa, chén nhựa, đồ chơi bằng nhựa có chứa hàm lượng cao các phthalate sẽ có nguy cơ bị nhiễm chất này. Còn phthalate có trong đồ chơi sẽ theo đường miệng vào trong cơ thể trở thành tác nhân gây ung thư, vô sinh ở nam giới, gây dị dạng thai nhi ở phụ nữ mang thai. Nhưng tác hại đã được nghiên cứu và khẳng định rõ ràng nhất là làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết. Đặc biệt là những bé gái bị nhiễm phthalate sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Vì thế, ở khá nhiều nước trên thế giới đã mạnh tay xử lý các sản phẩm chứa dẫn chất phthalate. Và mới đây, các nước châu Âu đã tiến hành thu hồi loại búp bê đầu trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc do chứa chất phthalate độc hại.
Thế nhưng, loại đồ chơi này vẫn được bày bán ở không ít tiệm đồ chơi ở khu vực Bình Tân, chợ Bình Tây với đủ mầu sắc hấp dẫn. Loại sản phẩm được trẻ em rất yêu thích vì nhìn dễ thương và khi bóp nhẹ còn phát ra bài hát vui nhộn. Giá thành lại rẻ nên rất hấp dẫn người tiêu dùng. Không chỉ có loại đồ chơi đó mà theo thống kê của đơn vị kiểm định chất lượng Bộ Khoa học Công nghệ, hiện nay các sản phẩm chứa chất phthalate được phát hiện và yêu cầu thu hồi còn có thêm hai dòng sản phẩm là thú nhún và một số loại xe đồ chơi điều khiển dùng pin. Đặc biệt với dòng sản phẩm đồ chơi xe điều khiển, kết quả kiểm định tại Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho thấy hàm lượng chất phthalate vượt xa mức cho phép. Cao hơn 200 lần so với quy định tại một số quốc gia Âu, Mỹ, trong khi Việt Nam chưa có quy chuẩn đối với chất này. Còn sản phẩm thú nhún có chứa chất phthalate vượt mức an toàn năm lần. Tất cả những sản phẩm này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và vẫn đang được bày bán trên thị trường mà không hề có bất cứ thông tin về hướng dẫn sử dụng, các công bố tiêu chuẩn chất lượng cũng như cảnh báo độc hại. Điều nguy hiểm hơn là để che mắt cơ quan chức năng, hiện không ít sản phẩm đã che mắt người tiêu dùng bằng cách đóng mác "made in Vietnam". Vì thế điều cần làm trước mắt cảnh báo rộng rãi tới người tiêu dùng và khuyến cáo họ cảnh giác, phát hiện và không sử dụng những loại sản phẩm chứa các phthalate theo đúng chỉ dẫn của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm định và có biện pháp xử lý thích đáng các hành vi vi phạm.