Cần tập trung nghiên cứu và triển khai đồng bộ quy trình kiểm tra thuế

Sáng 28/7, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn quy trình kiểm tra thuế ban hành kèm theo Quyết định số 970/QĐ-TCT. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại cơ quan Tổng cục Thuế; trực tuyến tại Cục Thuế các tỉnh, thành phố và 413 điểm cầu các chi cục thuế.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu cơ quan Tổng cục Thuế
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu cơ quan Tổng cục Thuế

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, hội nghị tập huấn quy trình kiểm tra thuế trong toàn ngành nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất về nguyên tắc và cách thức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý thuế trong toàn ngành; đồng thời tạo ra khuôn khổ nhất định, bảo đảm trách nhiệm của công chức, cơ quan thuế theo đúng quy định.

Theo Phó Tổng cục trưởng, cùng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ luật đến nghị định, thông tư thì quy trình cũng được xem là một bộ phận quan trọng trong các văn bản hướng dẫn thực thi công vụ đối với cơ quan thuế nói chung và công chức thuế nói riêng.

Với tính chất công việc quản lý phức tạp, các lĩnh vực hoạt động của người nộp thuế rất đa dạng, trải rộng toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế và cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trong khi số lượng người nộp thuế rất lớn và ngày càng tăng thì việc xây dựng các quy trình nghiệp vụ nhằm hệ thống hóa một cách cơ bản các bước cần phải thực hiện và làm rõ trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận là vô cùng cần thiết.

Chính vì vậy, Phó Tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng lưu ý việc tập huấn quy trình quy trình kiểm tra thuế phải vừa góp phần tạo sự đồng bộ, thống nhất về nguyên tắc và cách thức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý thuế trong toàn ngành Thuế; vừa tạo ra khuôn khổ nhất định, giảm thiểu rủi ro và bảo đảm trách nhiệm của công chức, cơ quan thuế theo đúng quy định.

Cần tập trung nghiên cứu và triển khai đồng bộ quy trình kiểm tra thuế ảnh 1

Điểm cầu tại các Cục Thuế, chi cục thuế địa phương

Trình bày tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thanh tra Kiểm tra Vũ Mạnh Cường cho biết Quy trình kiểm tra thuế mới được ban hành theo Quyết định số 970/QĐ-TCT ngày 14/7/2023 thay thế cho Quy trình kiểm tra thuế ban hành theo Quyết định số 746/QĐ-TCT ngày 20/4/2015 và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1215/QĐ-TCT ngày 03/9/2015.

Quy trình kiểm tra thuế mới được ban hành theo Quyết định số 970/QĐ-TCT ngày 14/7/2023 thay thế cho Quy trình kiểm tra thuế ban hành theo Quyết định số 746/QĐ-TCT ngày 20/4/2015 và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1215/QĐ-TCT ngày 03/9/2015.

Theo đó, nội dung của quy trình kiểm tra thuế mới được xây dựng trên cơ sở kế thừa những nội dung chủ yếu quy định tại các Nghị định, Thông tư và xây dựng, phát triển các trình tự, thủ tục mới hướng đến dịch chuyển áp dụng thanh tra kiểm tra theo phương pháp điện tử theo các quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; cơ cấu tổ chức ngành thuế và thực tế công tác quản lý thuế.

Trao đổi về những điểm mới trong kiểm tra thuế mới, Cục trưởng Cục Thanh tra Kiểm tra Vũ Mạnh Cường lưu ý quy định về kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm. Quy trình hướng dẫn trình tự, thủ tục kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm theo Điều 22 Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Tại phiên thảo luận, đại diện Cục Thanh tra Kiểm tra đã giải đáp những vướng mắc, khó khăn trong thực tế triển khai công tác kiểm tra mà đại diện các bộ phận chức năng thuộc các Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Chi cục Thuế và chi cục thuế khu vực đề cập tại hội nghị tập huấn.

Ngày 14/7/2023, Tổng cục Thuế ban hành Quyết định 970/QĐ-TCT về Quy trình kiểm tra thuế.

Theo Quyết định 970/QĐ-TCT, đối với việc lựa chọn doanh nghiệp để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế sẽ ưu tiên theo thứ tự rủi ro cao và kết hợp xem xét lựa chọn những doanh nghiệp đã quá 5 năm chưa được thanh tra, kiểm tra thuế.

Tương tự, đối với việc lựa chọn doanh nghiệp để đưa vào kế hoạch thanh tra tại trụ sở doanh nghiệp sẽ căn cứ theo kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống và kết hợp xem xét lựa chọn doanh nghiệp đã quá 5 năm chưa thanh tra, kiểm tra thuế.