Cần tạo nhiều đột phá nhằm thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam

NDO - Tại Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Điều phối chung Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất nhiều giải pháp đột phá trong các lĩnh vực hạ tầng, nhân lực, thể chế nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Các vị Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Điều phối chung Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Các vị Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Điều phối chung Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Sáng 1/3, tại tỉnh Attapeu, Lào, diễn ra Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Điều phối chung Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV). Đồng chủ trì Hội nghị có ông Khamchen Vongphosy, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban Điều phối của Lào; bà Cham Ni-mul, Bộ trưởng Thương mại Campuchia, Chủ tịch Ủy ban Điều phối của Campuchia; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Điều phối về Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, gắn bó và tin cậy chính trị giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam là “di sản quý báu” đối với cả ba dân tộc, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của ba nước.

“Việt Nam luôn coi đây là nhiệm vụ chiến lược và dành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho biết, năm 2024, cả ba nước sẽ đánh dấu 25 năm thành lập khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, là dấu mốc quan trọng của quá trình hợp tác trong khu vực.

Cần tạo nhiều đột phá nhằm thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam ảnh 1

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TRỊNH DŨNG.

Đánh giá về kết quả hợp tác trong thời gian qua, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, cả ba nước đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động hợp tác chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo và tăng cường sự kết nối trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, đồng thời cũng thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi giữa ba Quốc hội, ba Chính phủ, các tổ chức và người dân của ba nước thông qua sự hợp tác toàn diện ở nhiều lĩnh vực, bao gồm giao thông-vận tải, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, công nghiệp, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, lao động, giáo dục, môi trường, khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng những kết quả hợp tác thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra, chưa thực sự tạo được bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực.

“Hợp tác thương mại và đầu tư còn nhiều bất cập; các chính sách thuế, hải quan, thủ tục đầu tư chưa được nhất quán; triển khai các công trình hợp tác về phát triển kết cấu hạ tầng chậm so kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, vấn đề còn nằm ở việc một số địa phương chưa tích cực trong phối hợp triển khai các hoạt động; trình độ phát triển kinh tế-xã hội, quy mô tiêu dùng của người dân tại một số tỉnh trong khu vực còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao...

Bên cạnh đó, những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, sự bất ổn của thị trường lương thực, năng lượng, tài chính-tiền tệ, sự suy giảm đầu tư, đứt gẫy các chuỗi cung ứng trên thế giới… cũng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và cản trở ba nước trong triển khai các mục tiêu phát triển ở Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Cần tạo nhiều đột phá nhằm thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam ảnh 2

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TRỊNH DŨNG.

“Để thúc đẩy việc triển khai cũng như xây dựng định hướng, kế hoạch hợp tác của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam cho các năm tiếp theo, đòi hỏi ba nước chúng ta cần phải có những giải pháp đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cụ thể, theo ông Dũng, về phát triển cơ sở hạ tầng, các nước cần ưu tiên nguồn lực cho phát triển các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển, các trung tâm thương mại.

“Việt Nam sẽ ưu tiên xây dựng tuyến đường cao tốc Ngọc Hồi-Quy Nhơn phục vụ nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của Khu vực Tam giác phát triển. Đề nghị các nước Lào và Campuchia chủ động ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối với cao tốc Ngọc Hồi-Quy Nhơn của Việt Nam”, ông Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Về phát triển nguồn nhân lực, ông Dũng cho rằng, ba nước cần có giải pháp đồng bộ phát triển nguồn nhân lực nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà khu vực có thế mạnh, như: nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, khai khoáng, du lịch... Trước mắt, cần ưu tiên các chương trình hợp tác đào tạo hiện có cho việc phát triển nguồn nhân lực cho khu vực.

Về cải cách thể chế, theo ông Dũng, mỗi nước cần chủ động rà soát các cơ chế hiện hành, các vướng mắc đối với phát triển kinh doanh, thu hút đầu tư..., đồng thời chủ động xác định các dự án ưu tiên trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương trong vùng.

Cùng với việc tập trung vào cải cách thể chế, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực, ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng ba nước cần tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đã thống nhất và ký kết trong khuôn khổ hợp tác của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, bao gồm cả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương đã được ký kết giữa các nước.

Cần tạo nhiều đột phá nhằm thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam ảnh 3

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TRỊNH DŨNG.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề xuất cần triển khai nhanh, hiệu quả Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, rút ngắn khoảng cách phát triển với các thành viên ASEAN khác.

Về nguồn lực triển khai, ông Dũng cho rằng, trong quá trình thực hiện, cần nghiên cứu, lồng ghép các mục tiêu phát triển Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia và địa phương; cũng như ưu tiên phân bổ nguồn lực ngân sách quốc gia (đầu tư công) cho các dự án trong khu vực.

Tại Hội nghị, cả ba vị Bộ trưởng đều đánh giá cao kết quả hợp tác trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời thống nhất cho rằng, ba nước cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác vì sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi bên và của Khu vực nói chung.

Các vị Bộ trưởng cũng bày tỏ tin tưởng rằng, những kết quả của Hội nghị sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai cũng như xây dựng định hướng, kế hoạch hợp tác của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam cho các năm tiếp theo.