Bà Cao Thị Cúc ở thôn Trà Liên Đông, có nhà ở cách điểm sạt lở bờ sông Thạch Hãn gần 4 m nói trong lo âu: “Nhiều năm rồi không đêm nào tôi ngủ được. Cứ trời mưa trong đầu tôi lại nghĩ đến chuyện mưa lũ ăn sâu vào bờ làm sạt cả nhà xuống sông. Đã có trường hợp chiều hôm trước người dân trồng ruộng khoai bên bờ sông, sáng hôm sau ra thăm đồng thì cả ruộng khoai đã sạt xuống dòng Thạch Hãn. Tôi mong Nhà nước sớm xây kè chống sạt lở bờ sông cho người dân được an tâm”.
Trưởng thôn Trà Liên Đông Cao Đức Sinh băn khoăn: Mùa mưa lũ năm nay dù chưa lớn, song vẫn xảy ra sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến hơn 20 hộ dân định cư sinh sống sát bờ, cuộc sống bị đảo lộn mọi bề.
Bà con luôn lo lắng đến tính mạng và tài sản của mình. Hiện chính quyền địa phương đã cắm biển, căng dây cảnh báo người dân cùng phương tiện qua lại trên đoạn đường đang bị sạt lở, chú ý bảo đảm an toàn.
Chủ tịch UBND xã Triệu Giang Bùi Quốc Hùng dẫn chúng tôi đi men theo đoạn sạt lở cho biết, sau mỗi mùa mưa bão, tình trạng sạt lở bờ sông lại càng thêm nghiêm trọng. Đoạn chảy qua thôn Trà Liên Đông, bờ sông bị sạt lở sâu vào đường dân sinh liên thôn từ 4 m đến 5 m. Đường giao thông liên xã Triệu Giang - Triệu Thuận - Triệu Long sát bờ sông cũng bị sạt lở ăn vào, có nguy cơ biến mất, nếu không có phương án xây bờ kè bê-tông che chắn. Người dân mong muốn lãnh đạo tỉnh Quảng Trị quan tâm sớm tìm giải pháp chống sạt lở bờ sông.
Tại xã Triệu Long sạt lở ăn rất sâu vào khu dân cư, cuốn trôi nhiều diện tích đất ở và sản xuất, làm hỏng công trình văn hóa công cộng, đình làng, miếu thờ. Người dân lo âu vì sạt lở quá nguy hiểm. Việc đi lại trong làng xã vào ban đêm rất bất an, vì chỉ cần sơ suất là cả người và phương tiện rơi xuống sông. Khu vực sạt lở bờ sông Thạch Hãn qua xã Triệu Độ có chiều dài khoảng 200 m cũng rất nghiêm trọng, nguy cơ gây hư hỏng tuyến đường nhựa liên xã ĐH40 (một số vị trí sạt lở đã ăn sâu vào nền đường); nguy cấp hơn, sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Độ.
Đồng chí Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong thống kê những con số trong đợt sạt lở hai bên bờ sông Thạch Hãn đang làm cho người dân bất an. Theo đó, hai bên bờ sông có các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm như đoạn qua xã Triệu Giang dài gần 500 m; đoạn qua xã Triệu Long dài 1.000 m; đoạn qua hai xã Triệu Tài và Triệu Trung dài 600 m. Các xã Triệu Đông, Triệu Hòa, Triệu Độ… bờ sông đều có nhiều điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Tại thị xã Quảng Trị đoạn qua phường An Đôn bờ sông sạt lở dài 700 m… Nhiều lần đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, người dân huyện Triệu Phong đề đạt nguyện vọng được Nhà nước đầu tư làm hệ thống bờ kè bê-tông chống sạt lở, bảo vệ tính mạng cho nhân dân cũng như đất ở và đất sản xuất. Theo lãnh đạo huyện Triệu Phong, trước tình hình khẩn cấp này huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị chỉ đạo các xã làm các biển cảnh báo nâng cao khả năng đề phòng, bảo đảm an toàn tính mạng, trước khi Nhà nước có giải pháp tối ưu.
Đồng chí Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh với diễn biến rất phức tạp, tốc độ sạt lở nhanh và hướng sạt lở thường xuyên thay đổi, trong đó sạt lở ở hai bờ sông Thạch Hãn nặng nhất. Nguyên nhân do các cơn bão, mưa lớn, lũ lụt xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng cao, đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông và cuốn trôi nhiều khu vực dọc cửa biển, bờ biển. Việc sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng tới cuộc sống hơn 2.300 hộ dân, trong đó có gần 600 hộ sống trong vùng đặc biệt nguy hiểm. Chia sẻ với lo âu của người dân, tỉnh Quảng Trị đã có kế hoạch xây dựng hệ thống kè bê-tông tại các điểm sạt lở. Việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ sông; xây dựng công trình ngăn mặn, giữ ngọt nhằm phục vụ sản xuất cho vùng trồng lúa và hoa màu vừa kết hợp giao thông kết nối phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực vừa bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ là hết sức cần thiết và cấp bách.
Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất là kinh phí đầu tư xây dựng kè chống sạt lở cần khá nhiều, gần một nghìn tỷ đồng cho nên trong điều kiện khó khăn tỉnh Quảng Trị chưa thể giải quyết ngay được. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách khẩn cấp phòng, chống thiên tai giúp địa phương có thêm điều kiện gia cố, xây mới bờ kè sớm giúp nhân dân ổn định cuộc sống, sản xuất.