Ngày 12/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết công tác giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh ngành y tế 6 tháng đầu năm 2022.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, lĩnh vực giám định pháp y tâm thần là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn, cán bộ còn phải có kiến thức về pháp lý, kỹ năng giao tiếp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Hiện công tác giám định pháp y tâm thần được giao cho 7 đơn vị, gồm: Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa và 5 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực.
Tính đến thời điểm này, nhân lực của 7 tổ chức giám định pháp y tâm thần là 669 người, trong đó có 95 bác sĩ, 344 điều dưỡng, 28 dược sĩ và khác 192 người. Toàn ngành có 60 giám định viên pháp y tâm thần.
Với số lượng nhân lực như trên, trong 6 tháng đầu năm các tổ chức pháp y tâm thần đã thực hiện giám định pháp y tâm thần 2.947 vụ việc, trong đó có 864 vụ hình sự; 906 vụ án hành chính, vụ việc dân sự và 1.193 vụ việc giám định sức khỏe tâm thần.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, tại 4 đơn vị đã tiếp nhận, điều trị và quản lý 701 trường hợp (577 trường hợp cũ chuyển sang và 124 vào mới 6 tháng đầu năm 2022); Số bỏ trốn lũy tích là 40 và 6 tháng đầu năm là 6 trường hợp; không có trường hợp tử vong; hiện tại đang điều trị 587 trường hợp (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 không có bệnh nhân nào).
Các vụ việc trên được thực hiện theo 1 trong 4 loại hình giám định: Giám định nội trú, giám định tại phòng khám, giám định tại chỗ, giám định trên hồ sơ.
Các đơn vị này, ngoài thực hiện chức năng do Bộ trưởng Y tế phân công, còn phải tuân thủ theo sự điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án hình sự…
Tuy nhiên, đối với Viện Pháp y tâm thần Trung ương và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, ngoài thực hiện giám định còn phải tiếp nhận điều trị bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP.
Việc điều trị bắt buộc chữa bệnh còn triển khai tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Tính đến nay, nhân lực thực hiện công tác bắt buộc chữa bệnh tại 5 đơn vị là 49 bác sĩ, 254 điều dưỡng.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, tại 4 đơn vị đã tiếp nhận, điều trị và quản lý 701 trường hợp (577 trường hợp cũ chuyển sang và 124 vào mới 6 tháng đầu năm 2022); Số bỏ trốn lũy tích là 40 và 6 tháng đầu năm là 6 trường hợp; không có trường hợp tử vong; hiện tại đang điều trị 587 trường hợp (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 không có bệnh nhân nào).
TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết hiện công tác giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh của các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở làm việc, điều trị chật hẹp, quá tải, chưa đáp ứng tốt hoạt động công tác.
Đối với công tác điều trị bắt buộc chữa bệnh, các đơn vị không có khoa chuyên trách cho người bệnh bắt buộc chữa bệnh được thiết kế phù hợp.
Việc quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh ở lẫn các bệnh nhân thông thường khác rất khó khăn do tính chất người bệnh bắt buộc chữa bệnh ngoài vấn đề tâm thần còn các nét nhân cách, tính cách của phạm nhân rất khó lường, nguy hiểm.
Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho người làm công tác quản lý điều trị bắt buộc chữa bệnh quá thấp, cần phải hưởng như công an trại giam.
Trên thực tế, đối tượng người bệnh bắt buộc chữa bệnh thực tế là phạm nhân bị bệnh tâm thần, phần lớn là đối tượng xã hội phức tạp, nguy hiểm. Việc giao trách nhiệm quản lý đối tượng người bệnh này cho nhân viên y tế như hiện nay thực sự là nhiệm vụ quá sức và chưa phù hợp, tạo áp lực rất lớn cho nhân viên y tế.
Đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, Nghị định 64/2011/NĐ-CP quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, việc quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh như người bệnh tâm thần khác không được phân biệt đối xử, do cơ quan y tế đảm nhiệm kể cả việc tìm kiếm là chưa hợp lý.
Trên thực tế, đối tượng người bệnh bắt buộc chữa bệnh thực tế là phạm nhân bị bệnh tâm thần, phần lớn là đối tượng xã hội phức tạp, nguy hiểm. Việc giao trách nhiệm quản lý đối tượng người bệnh này cho nhân viên y tế như hiện nay thực sự là nhiệm vụ quá sức và chưa phù hợp, tạo áp lực rất lớn cho nhân viên y tế.
"Thực tế, nhiều vụ việc xảy ra trong thi hành bắt buộc chữa bệnh đều liên quan trực tiếp tới công tác quản lý người bệnh, áp lực trách nhiệm và lo sợ mất an toàn cho bản thân và gia đình làm nhiều nhân viên y tế không muốn, thậm chí sợ hãi phải tiếp nhận điều trị đối tượng này.
Khi người bệnh trốn viện, việc tổ chức tìm kiếm của nhân viên y tế chỉ thực hiện được ở mức như tìm kiếm người bệnh tâm thần trốn viện. Việc yêu cầu quyết liệt truy tìm như truy nã phạm nhân trốn trại đối với nhân viên y tế thực sự là quá sức và rất nguy hiểm, rất cần sự tham gia chủ đạo của cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án các cấp", đại diện bệnh viện cho hay.
Trong 11 năm triển khai thực hiện Nghị định 64/2011/NĐ-CP, các đơn vị thực hiện công tác điều trị bắt buộc chữa bệnh đã phản ánh rất nhiều bất cập của Nghị định.
Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản gửi Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về các bất cập của văn bản và đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung văn bản này cho phù hợp thực tiễn.
Tại hội nghị, các đại biểu mong muốn hãy để các bác sĩ là “chiến sĩ áo trắng” đúng nghĩa, điều trị người bệnh. Việc bảo vệ, giám sát điều trị các đối tượng điều trị bắt buộc chữa bệnh, trước mắt cần có sự phối hợp với các cơ quan công an giúp bệnh viện về quản lý phạm nhân bắt buộc chữa bệnh.
Về lâu dài, các đại biểu cho rằng cần phải sửa Nghị định 64/2011/NĐ-CP theo hướng hoặc chuyển các cơ sở quản lý, điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh về các cơ sở y tế của Bộ Công an.
Ngành y tế sẽ phối hợp công tác chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa tâm thần hoặc giao cơ quan công an nơi có cơ sở quản lý, điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh tham gia bảo vệ tại các cơ sở này.