Cần quản lý công trình ngay từ khâu chuẩn bị dự án

Cần quản lý công trình ngay từ khâu chuẩn bị dự án

Hỏi: Thưa ông, hiện có một nghịch lý mà cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn cộng đồng thường thấy rõ các thiếu sót cụ thể của quá trình thực hiện trong thi công dự án đầu tư xây dựng, mà không thấy các sai sót trong quá trình chuẩn bị dự án, khảo sát, thiết kế trong đầu tư xây dựng. Ông đánh giá  ra sao về nghịch lý này?

Trả lời: Thực tế hiệu quả đầu tư của dự án thấp kém so với dự kiến là do việc chuẩn bị không tốt, công tác khảo sát, thiết kế không bảo đảm chất lượng. Phần lớn các thất thoát, sự cố nảy sinh cũng xuất phát từ đó.

Nhà máy đường xây dựng ở địa điểm không đủ mía, phải dời đi chỗ khác hoặc phần lớn không phát huy hết công suất; cảng cá, chợ xây dựng xong tàu đánh cá không cập bến, người không đến họp cũng là những chuyện thường thấy, khảo sát không đúng tình hình thực tế để phải bổ sung làm đi làm lại nhiều lần dẫn đến phải sửa đổi thiết kế.

Ngay cả việc thiết kế đường I do nước ngoài đảm nhiệm (từ Hà Nội đến Lạng Sơn) phải sửa đi sửa lại vì chỉ dựa vào kết quả khảo sát bằng vệ tinh, thiết kế kỹ thuật không dựa vào thiết kế cơ sở đã duyệt, không căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, không xét đến những công trình liền kề đã dẫn đến việc sửa đổi thiết kế nhiều lần, chậm tiến độ thi công hoặc khi sử dụng đã xảy ra việc lún lệch quá mức cho phép, thậm chí sập đổ công trình.

Hỏi: Theo ông, việc thực thi quản lý chất lượng các công trình xây dựng ở nước ta ở giai đoạn này đã được quan tâm thực sự hay chưa? Và đâu là những hậu quả của việc quản lý chưa tốt khâu lập dự án, khảo sát và thiết kế dẫn đến công trình kém chất lượng, thưa ông?

Trả lời: Tôi cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn còn buông lỏng việc quản lý chất lượng công trình khi không quản lý tốt ngay từ khâu lập dự án đầu tư, khảo sát và thiết kế. Dù khâu thực hiện dự án và nghiệm thu có tốt đến đâu mà khâu lập dự án không được tiến hành tốt thì công trình cũng không thể hoàn hảo được.

Theo tôi, chủ đầu tư có vai trò quyết định đối với chất lượng của việc chuẩn bị dự án. Vì thế, việc đề xuất chủ trương đầu tư cần phải được dựa trên các quy hoạch đã được lập một cách đúng đắn, tránh tình trạng không có quy hoạch hoặc quy hoạch sơ sài có tính chất đối phó.

Cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng công trình quy hoạch đảm bảo sự phù hợp giữa quy hoạch phát triển ngành, vùng với quy hoạch tổng thể để phát triển kinh tế xã hội làm cơ sở cho lập dự án. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm túc trình tự thủ tục các bước theo quy định của giai đoạn lập dự án đầu tư, từ việc lựa chọn chủ đầu tư đến việc chọn tổ chức tư vấn khảo sát thiết kế, tổ chức thẩm định đáp ứng yêu cầu của từng loại dự án.

Đặc biệt, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chéo, bảo đảm thực hiện đúng các quy định và quản lý chất lượng trong giai đoạn lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế.

Hỏi: Theo ông, vấn đề “chất lượng” đối với công tác “khảo sát” và “thiết kế” dự án đầu tư xây dựng đối với các tổ chức tư vấn, thiết kế trong nước phải được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Công tác khảo sát có tầm quan trọng đối với việc chuẩn bị dự án thiết kế cũng như thi công. Có khảo sát tốt mới có đầu vào tin cậy cho việc lập dự án cũng như thiết kế, mới làm tai mắt để bảo đảm sản phẩm làm ra bảo đảm yêu cầu.

Làm thế nào để bảo đảm chất lượng khảo sát? Vấn đề này đã được Nghị định 209 hướng dẫn thi hành Luật xây dựng đã quy định khá cụ thể và chặt chẽ, chỉ cần nghiêm chỉnh thực hiện cho đúng.

Trong thực tế, việc giám sát công tác khảo sát xây dựng là cần thiết nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn vì lực lượng khảo sát phân tán đi nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa, có khi chỉ 3 - 4 người.

Việc tổ chức giám sát ra sao cho phù hợp cần nghiên cứu. Vấn đề trước tiên là cần chọn người khảo sát đáng tin cậy không những tinh thông nghiệp vụ, trung thực. Chất lượng khảo sát có điểm khác với công tác khác, có liên quan nhiều nhất đến tố chất của người làm công tác này, nếu không bảo đảm thì dù tăng cường giám sát, kiểm tra mấy cũng không đủ.

Sau khâu chuẩn bị dự án, chất lượng của thiết kế có tính chất quyết định chiến lược. Theo điều tra thống kê ở nước ta cũng như trên thế giới, có đến 80 - 90% thiếu sót, sự cố là do thiết kế.

Thiết kế bao gồm nhiều lĩnh vực: thiết kế kiến trúc, thiết kế móng, kết cấu, thiết kế điện nước, thiết kế nội thất, thiết kế phòng chống cháy nổ, các trang thiết bị trong công trình. Thiết kế còn phân làm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công.

Nghị định 209 về quản lý chất lượng đã hướng dẫn cụ thể việc quản lý chất lượng thiết kế một cách tương đối đầy đủ. Cũng như đối với công tác khảo sát việc thực hiện đúng Nghị định 209 và các thông tư có liên quan sẽ có tác dụng quyết định đối với việc bảo đảm chất lượng.

Việc đấu thầu cần chọn lựa thích đáng những người làm công tác thiết kế, kể cả chuẩn bị dự án, khảo sát, là hết sức quan trọng quyết định chất lượng của các công tác trên. Do đó đề nghị chủ đầu tư phải xem nhiệm vụ hàng đầu của mình mà chọn lựa cho được các nhà tư vấn đủ năng lực, trung thực.

Việc thẩm tra, thẩm định thiết kế cần được tiến hành một cách nhanh gọn dựa trên các tiêu chí cụ thể, người làm công tác thẩm định phải là người nắm được vấn đề, trung thực, tránh việc xoi mói, chê bai gây căng thẳng quan hệ giữa hai bên, không tuỳ tiện đề xuất thay đổi thiết kế theo ý cá nhân mình.

Để bảo đảm chất lượng thiết kế đối với một số công trình quan trọng hoặc hạng mục có kỹ thuật phức tạp, nên nghiên cứu sử dụng lực lượng thiết kế thử lại - kiểm tra chéo. Khuyến khích các đơn vị tư vấn (thiết kế, khảo sát) xây dựng Hệ thống chất lượng ISO 9000 và Hệ thống quản lý môi trường ISO 14000.

Có thể bạn quan tâm