Cần những biện pháp xử lý triệt để nạn cho vay tín dụng đen

NDO -

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, gần đây nổi lên tình trạng cho vay qua mạng hay còn gọi là cho vay qua các app điện thoại, trong đó nhiều app cho vay với mức lãi suất “cắt cổ”. Đây là loại hình tín dụng đen thời công nghệ với kiểu đòi nợ bất lương, cần có những biện pháp xử lý triệt để.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn).

Tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội ngày 3-11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu ý kiến cho rằng, mặc dù tình trạng “tín dụng đen” sau khi truy quét quyết liệt đã giảm nhưng gần đây lại nổi lên tình trạng cho vay qua mạng hay còn gọi là cho vay qua các app điện thoại, trong đó nhiều app cho vay với mức lãi suất cắt cổ và thủ đoạn đòi nợ còn tàn khốc hơn rất nhiều.

Theo đại biểu, qua theo dõi về tình trạng này cho thấy chỉ cần gõ từ khóa vay trực tuyến hoặc vay qua app thì lập tức sẽ hiện lên hàng loạt các địa chỉ cho vay. Người vay chỉ cần gửi ảnh chụp khuôn mặt, chụp chứng minh nhân dân, cung cấp số tài khoản ngân hàng và đặc biệt là phải chấp thuận điều kiện là cho các app này được truy cập vào danh bạ điện thoại. Và nếu chấp thuận các điều kiện này thì chỉ sau 10 phút tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người vay.

“Nhưng cũng kể từ đây thì những người đứng ẩn sau các ứng dụng này sẽ có được toàn bộ số điện thoại, Zalo, Facebook của người thân, của đồng nghiệp và của bạn bè người vay để sử dụng cho các mục đích sau này”, đại biểu nêu vấn đề.

Bên cạnh đặc thù thủ tục nhanh chóng, không cần gặp mặt và không cần thế chấp tài sản, loại hình cho vay này còn có đặc điểm là số tiền cho vay nhỏ và thời gian cho vay ngắn, khoảng một tuần. Tuy nhiên trên thực tế, người vay chỉ nhận được 2/3 số tiền trên hợp đồng vay, 1/3 còn lại người cho vay giữ để trừ vào tiền lãi và tiền phí các loại dịch vụ. Hết một tuần, nếu người vay không trả được nợ thì nhân viên của các app sẽ tiếp tục giới thiệu các app mới để người vay tiếp tục vay của app sau để trả cho app trước.

Trên thực tế đã có hàng chục nghìn người dính bẫy tín dụng đen kiểu này với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, mặc dù ban đầu chỉ vay vài triệu để tiêu dùng.

“Có những nạn nhân đã tâm sự là ban đầu chỉ vay 8 triệu của hai app, khi đến hạn không có tiền trả thì nhân viên của app giới thiệu để vay các app khác để trả nợ. Đến nay, sau 3 tháng từ chỗ chỉ vay 8 triệu đồng đến nay đã phải vay hơn 200 triệu đồng để trả nợ. Từ chỗ chỉ vay của hai app thì đến nay đã phải vay của 64 app với số tiền lãi và tiền phạt tăng theo cấp số nhân hằng ngày. Có thể thấy loại hình tín dụng đen kiểu mới đã biến những con nợ nhỏ thành những con nợ lớn, chất chồng thành những khoản nợ không thể trả”, đại biểu cho biết.

Cho vay qua mạng: “Cha đi vay tiền, con bị lập bàn thờ đưa lên mạng xã hội” -0
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội ngày 3-11.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, cách đòi nợ của "các app" còn tàn khốc hơn cả “tín dụng đen” ngoài đời, đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần của người vay. Ban đầu các app cho nhân viên sử dụng những lời lẽ thô tục, độc ác liên tục gọi điện cho người vay và gia đình của họ, không những thế còn gọi điện cho tất cả những người có trong danh bạ điện thoại để bêu riếu người vay nhằm gây sức ép trả nợ.

Có những nạn nhân đã tâm sự chỉ vì trót vay tiền qua app mà bị khủng bố điện thoại suốt ngày đêm, có những người đã bị khủng bố bởi hơn 200 số điện thoại khác nhau. Khi biện pháp khủng bố điện thoại không có hiệu quả thì các đối tượng sẽ sử dụng triệt để mạng xã hội để “khủng bố” người vay nợ.

“Chúng cắt ghép hình ảnh của toàn thể gia đình người vay đưa lên mạng, ghép với hình ảnh gái mại dâm hoặc với các đối tượng phạm tội khác để làm nhục họ, thậm chí có những cháu nhỏ là con của người vay chúng cũng không tha khiến cho các cháu xấu hổ, không dám tới trường. Có những trường hợp cha đi vay tiền nhưng mà con bị lập bàn thờ đưa lên mạng xã hội, hết sức độc ác. Hậu quả là, có những người vì không chịu nổi những áp lực này đã tự tìm đến chết để giải thoát như các trường hợp ở Kiên Giang, Tiền Giang và Tây Ninh thời gian qua”, đại biểu bức xúc nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, vừa qua công an các địa phương đã truy quét nhiều nhóm cho vay qua app, trong đó có những vụ số tiền phạt và số tiền lãi lên đến hơn 1.000%/năm. Tuy nhiên, hiện công an các địa phương cũng đang phản ánh gặp rất nhiều khó khăn trong áp dụng pháp luật để xử lý, bởi vì loại hình cho vay này có dấu hiệu lách các quy định của pháp luật.

“Về thủ đoạn lách luật, theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự, một trong những yếu tố cấu thành của tội cho vay nặng lãi đó là phải vượt mức trần mà lãi suất pháp luật quy định. Tuy nhiên vừa qua các đối tượng đã lách luật bằng cách đối với lãi suất luôn để ở dưới mức trần pháp luật quy định, còn lại là dồn vào tiền phí và tiền phạt vi phạm. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì pháp luật chỉ khống chế mức trần đối với lãi suất, không khống chế mức trần đối với tiền phạt vi phạm, mức tiền phạt vi phạm là do các bên tự thỏa thuận”, đại biểu phân tích cho biết.

Liên quan tới loại tội phạm “tín dụng đen”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng ghi nhận thời gian qua ngành Công an đã rất quyết liệt đấu tranh làm giảm đáng kể loại tội phạm này. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề nếu như không có giải pháp thì tội phạm “tín dụng đen” vẫn tồn tại. Bởi vì, mặc dù các ngân hàng đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục cho vay, nhưng không phải mục đích nào cũng có thể cho vay, trong khi “tín dụng đen” thì không cần bất cứ một thủ tục gì mà thậm chí còn sẵn sàng “cho vay để đánh bạc”.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV