Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi):

Cân nhắc về quy định tổ chức đấu thầu trước vì dễ phát sinh nhiều tiêu cực

NDO - Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, bởi nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn… dễ phát sinh nhiều tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) chiều 5/4. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) chiều 5/4. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Không nên quy định tổ chức đấu thầu trước

Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội quy định cho phép đấu thầu trước khi dự án, dự toán được phê duyệt để rút ngắn thời gian thực hiện trong một số trường hợp.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế thời gian qua việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, bởi nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn… phát sinh nhiều tiêu cực.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, không nên quy định đấu thầu trước trong dự thảo luật.

Cân nhắc về quy định tổ chức đấu thầu trước vì dễ phát sinh nhiều tiêu cực ảnh 1

Đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý kiến vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Có chung quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng quy định này chưa có đủ căn cứ, cơ sở để thực hiện.

Về chỉ định thầu, Điều 23 dự thảo Luật quy định áp dụng đối với gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng…

Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau), gói thầu về mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia là gói thầu đặc biệt, có thể phải chỉ định thầu trong suốt quá trình. Tuy nhiên gói thầu về khắc phục sự cố thiên tai hoặc bất khả kháng thì chỉ cần trong một thời gian ngắn. Do vậy, để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo Luật cần quy định tách ra, như vậy sẽ tránh được kẽ hở bị lợi dụng.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh về sự cần thiết áp dụng chỉ định thầu trong một số trường hợp đặc biệt để bảo đảm các tiêu chí đề ra. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc, trách nhiệm của nhà đầu tư rất lớn, do vậy đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể về nội dung này.

Đề xuất, quy trình mua sắm thuốc men, vật tư y tế theo hai đoạn

Góp ý về đấu thầu tập trung mua thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại Điều 53, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, tại khoản 1 quy định: đấu thầu tập trung được áp dụng khi hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn.

Đại biểu cho rằng đối với những sản phẩm như với thuốc, thiết bị, vật tư mà dùng nhiều, dùng số lượng lớn mà thực hiện đấu thầu tập trung là rất cồng kềnh. Trong trường hợp này, nên quy định để các cơ sở y tế, các bệnh viện tự đấu thầu là chính, hạn chế đấu thầu tập trung vì họ sẽ chủ động hơn, sẽ không cồng kềnh, không chờ đợi, đặc biệt là không lãng phí.

Cân nhắc về quy định tổ chức đấu thầu trước vì dễ phát sinh nhiều tiêu cực ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Anh Trí tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Trí đề nghị thực hiện đấu thầu tập trung đối với hàng hóa, thuốc men, vật tư với số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm.

Theo đại biểu, quy định như vậy mới đấu thầu được, mới có nhà cung cấp, phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các bệnh viện, qua đó giảm quá tải các bệnh viện, bởi các bệnh viện tuyến dưới có phác đồ điều trị nhưng vì không có thuốc nên phải lên tuyến trên điều trị; đồng thời hạn chế những tiêu cực trong mua sắm, bệnh nhân không phải mua thuốc trôi nổi trên thị trường.

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất việc đấu thầu mua sắm thuốc hiếm nên được thực hiện ở một đơn vị thuộc cấp Bộ Y tế để cung cấp cho tất cả các bệnh viện trên cả nước.

Nhấn mạnh, mua sắm thuốc men, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ dẫn đến tiêu cực, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) để bảo đảm chặt chẽ, rõ và khả thi.

Đại biểu đề xuất, quy trình mua sắm thuốc men, vật tư y tế theo hai đoạn: Thứ nhất, đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia cần lựa chọn nhà thầu có chất lượng và có giá trần. Bước thứ hai, các cơ sở y tế có nhu cầu, căn cứ kết quả đấu thầu tập trung đã có để lựa chọn nhà thầu cung cấp phù hợp hoạt động của cơ sở mình và không cao hơn giá trần.