Các địa phương cần thêm văn bản hướng dẫn trong đấu thầu trang thiết bị y tế

NDO - Sở Y tế các địa phương, các cơ sở y tế bày tỏ mong muốn Bộ Y tế và bộ, ngành liên quan sớm có những văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai các nội dung đã được Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/2023/NQ-CP "tháo gỡ" điểm nghẽn trong đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp.

Sáng 10/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Hướng dẫn triển khai Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/2023/NQ-CP tới các Sở Y tế, bệnh viện cơ sở y tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế do đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Y tế chủ trì.

Các địa phương còn nhiều vướng mắc

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Nghị quyết 30/2023/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP đã gỡ khó cho các cơ sở y tế trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, theo ông Diện, theo Điều 47, Nghị định 07/2023/NĐ-CP, Bộ Y tế cần có văn bản hướng dẫn cụ thể trong tình huống nào là tình huống cấp bách. Thí dụ như việc thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế… liên quan đến hoạt động cấp cứu bệnh nhân đã được coi là cấp bách chưa? Bởi trong tình huống này thực hiện chỉ định thầu, đấu thầu rút gọn. Nếu không có hướng dẫn này, kể cả thông suốt tất cả các nội dung thì việc mua sắm đầu thầu không đơn giản, có thể kéo dài từ 3-6 tháng, thậm chí lâu hơn.

Với những vật tư, sinh phẩm dùng nhiều, thường quy nên thực hiện như thuốc biệt dược đàm phán giá, nếu đàm phán giá tập trung quốc gia, thì các địa phương dựa vào đó mua kịp thời mà không phải thông qua đấu thầu. Việc công khai giá toàn quốc sẽ rất thuận lợi cho quá trình mua sắm kịp thời bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.

Theo Phó Giám đốc phụ trách công tác dược, Sở Y tế Thanh Hóa, mặc dù Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/2023/NQ-CP giải quyết trước mắt tình hình mua sắm cho các đơn vị dễ dàng hơn nhưng địa phương đề nghị Bộ Y tế có cơ chế để việc mua sắm đấu thầu này thực hiện lâu dài hơn.

“Các sinh phẩm và hóa chất, vật tư theo máy độc quyền nên giao cho việc đàm phán giá, vì nếu đấu thầu sẽ gây khó khăn cho các cơ sở y tế. Khi tiến hành đấu thầu cũng gặp vướng mắc khi có nhiều doanh nghiệp đầu tuần đăng tải giá, cuối tuần lại không còn thấy đăng tải, thậm chí nhiều doanh nghiệp bí mật về giá”, vị này cho hay.

Đại diện cho Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, ngay từ đầu tuần, Sở Y tế thành phố đã họp với các đơn vị y tế trên địa bàn, thì hầu như các Giám đốc bệnh viện cho biết Nghị quyết 30 và Nghị định 07 giải quyết 80-90% công tác mua sắm vật tư y tế.

“Nghị quyết 30 giải quyết thanh quyết toán chi phí bảo hiểm y tế với máy do nhà thầu cung cấp. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị cần đưa nội dung này vào Luật đấu thầu sửa đổi thời gian tới.

Hai năm qua, trong đợt dịch Covid-19, thành phố được viện trợ nhiều trang thiết bị y tế và những thiết bị này đã được phân về các đơn vị có nhu cầu sau đại dịch, nhưng khi sử dụng cho khám chữa bệnh, việc thanh toán bảo hiểm y tế rất khó khăn”, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nói.

Riêng về Nghị định 07/2023/NĐ-CP cũng giải quyết nhiều vướng mắc của doanh nghiệp liên quan kê khai giá, gia hạn giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, đơn vị bày tỏ đây chỉ là giải pháp tạm thời.

“Sở Y tế TP Hồ Chí Minh quan tâm đến tình hình thiếu thuốc vật tư y tế trên địa bàn nên đã thành lập những nhóm báo cáo khẩn theo từng tuần. Sở Y tế sẽ có sơ kết sau 1 tháng triển khai Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ đánh giá tình hình vướng mắc trong triển khai thực tiễn”, đại diện Sở nói.

Đại diện một đơn vị kinh doanh trang thiết bị y tế cũng bày tỏ, hầu hết nút thắt được Nghị định 07 tháo gỡ. Tuy nhiên, với tình huống trang thiết bị y tế độc quyền, báo giá có thể lên gấp 2-3 lần so với giá nhập khẩu như vậy liệu báo giá đó có bị coi “thổi” giá không.

Các địa phương cần thêm văn bản hướng dẫn trong đấu thầu trang thiết bị y tế ảnh 1

Cuộc họp trực tuyến với các Sở Y tế, bệnh viện cơ sở y tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế.

Cần có những giải pháp căn cơ

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Nghị quyết 30/2023/NQ-CP giải quyết được tình trạng khẩn cấp thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải có giải pháp căn cơ, đó là nhanh chóng hoàn thiện thể chế bằng văn bản, xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện.

"Thí dụ, có những quy định trong Nghị quyết 30 như mục a, Chính phủ chỉ cho áp dụng thí điểm để xây dựng giá đấu thầu đến ngày 31/12/2023", ông Tuyên nói.

Tại Nghị quyết 30 có một số điểm mới, đó là mục 3, điểm a, trường hợp có cùng chủng loại thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, thì khi đấu thầu giá khác nhau, đưa vào sử dụng chất lượng khác nhau. Chính vì vậy, Nghị quyết mới yêu cầu Hội đồng khoa học xây dựng tính năng, cấu hình theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị còn mua sắm thì theo quy định.

"Hội đồng lưu ý phải làm việc công tâm, khách quan và trên cơ sở yêu cầu chuyên môn, tránh chuyện lợi ích nhóm. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn quy định Hội đồng chuyên môn của bệnh viện để làm sao hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ", Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, để đồng bộ các văn bản pháp luật, phải trình được Luật Dược sửa đổi, phải sửa được Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, chuẩn bị khẩn trương xây dựng Luật Trang thiết bị y tế và phải phấn đấu đến tháng 4/2024 trình Quốc hội Luật Dược và Luật Bảo hiểm Y tế.

“Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sửa Luật Giá và Luật đấu thầu. Bộ Y tế khẩn trương ban hành sửa đổi Thông tư 15 năm 2019, nếu không có gì thay đổi đầu tuần sau ký, hướng dẫn vấn đề mua sắm, đầu thầu”, Thứ trưởng Tuyên nói.

Trong thời gian sớm nhất, Cục Quản lý Dược trình Thông tư sửa đổi thay thế thông tư 03/2020/TT-BYT về danh mục thuốc đấu thầu tập trung. Vụ Trang thiết bị y tế và Vụ pháp chế khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 07/2023/NĐ-CP và phải trình trong tháng 3 này.

Đồng thời Bộ phải ban hành hướng dẫn về khai thác thông tin đăng tải thông tin của Bộ về kê khai giá; có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép đưa vào cổng thông tin điện tử của Bộ để cho các bệnh viện tham khảo. Đồng thời 2 bộ phối hợp xây dựng quy chế đấu thầu thuốc, tham gia đấu thầu.

Đối với Nghị quyết 30, Thứ trưởng Bộ Y tế giao Vụ Trang thiết bị y tế chủ trì, cùng với Vụ Kế hoạch-Tài chính hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế và phải xong trong quý 2. Vụ Kế hoạch-Tài chính chủ trì cùng Cục Quản lý Dược và Trung tâm mua sắm sửa đổi danh mục thuốc đầu thầu; đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, bảo đảm nguồn cung.

Thứ trưởng Y tế đặc biệt lưu ý các cơ sở y tế, với trường hợp liên danh, liên kết các cơ sở phải chịu trách nhiệm về hạn sử dụng, hết khấu hao, chịu trách nhiệm về chất lượng của máy, tránh trường hợp máy hết hạn sử dụng, hết khấu hao nhưng vẫn sử dụng và đưa ra hàng loạt kết quả sai.

Vấn đề phát sinh thực tiễn, trong quá trình thực hiện có vướng mắc, các bệnh viện cần có báo cáo và đề xuất ngay với Bộ Y tế để bộ phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.