Các quy định vừa rối vừa bó
Ngày 27/2, thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều cơ sở y tế tại thành phố đã nỗ lực thực hiện các giải pháp mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ người bệnh nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
TS, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - một bệnh viện hàng đầu của thành phố cho rằng: Triển khai Nghị quyết số 144/NQ-CP, thực tế cho thấy việc kê khai và công khai giá trang thiết bị y tế hiện nay chưa thực hiện đầy đủ chi tiết cấu hình tính năng, giá kê khai của trang thiết bị y tế chưa được kiểm soát, có tình trạng giá kê khai cao hơn rất nhiều so với giá bán thực tế. Điều đó dẫn đến bệnh viện không thể xác định giá trị thật của trang thiết bị y tế xây dựng giá gói thầu để mua sắm. Mặt khác, đối với sửa chữa, bảo trì, linh kiện thay thế trang thiết bị y tế chưa có quy định cụ thể, chưa được quản lý giá, chưa có quy định kê khai, công khai giá…
Hiện nay, việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như: máy chụp cắt lớp vi tính (CT scanner), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler mầu… đều không có đủ ba báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới trang thiết bị y tế cũng như sửa chữa bảo trì. Ngoài ra, việc tiếp cận trang thiết bị để mua sắm cũng không dễ dàng. Số lưu hành, giấy phép nhập khẩu của trang thiết bị y tế được quy định tại Nghị định 98 hiện nay hầu hết không còn hiệu lực. Các nhà thầu không thể nhập khẩu được trang thiết bị y tế để cung ứng cho bệnh viện, đặc biệt là hóa chất xét nghiệm khí máu, xét nghiệm chẩn đoán nhồi máu cơ tim, vôi soda…
Nhiều bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội, như: Bạch Mai, K, Hữu nghị Việt-Đức… cũng gặp không ít khó khăn. GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức cho biết, tình hình thiếu hóa chất, vật tư y tế là việc "cấp cứu của cấp cứu" cần được tháo gỡ ngay, nếu không bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động. Nguyên nhân của tình trạng thiếu là hầu hết hóa chất do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, cơ quan chức năng cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp. Như vậy, bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, điểm mới trong Nghị quyết 144 quy định các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, từ tháng 12 năm ngoái, bệnh viện không thể kéo dài hình thức mượn máy, đặt theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, dẫn đến thiếu hụt.
Cấp thiết tạo hành lang pháp lý chuẩn
Để tháo gỡ những vướng mắc gây ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, TS, BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ, Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo các vụ, cục khẩn trương thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2021/NĐ-CP để giải quyết các vướng mắc trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Cụ thể, việc quản lý giá trang thiết bị y tế, linh kiện thay thế sửa chữa bảo trì phải bảo đảm tính công khai, khách quan với giá trị thật của thiết bị, phải có cơ quan kiểm soát và chịu trách nhiệm việc kê khai và công khai giá. Bộ Y tế cần khẩn trương cấp mới, cấp lại hoặc gia hạn số lưu hành, giấy phép nhập khẩu được quy định tại Nghị định 98 để nhanh chóng có vật tư y tế, hóa chất phục vụ điều trị người bệnh. Về lâu dài, cần thiết xây dựng luật đấu thầu riêng cho ngành y tế, hoặc bổ sung chương đấu thầu cho ngành y tế trong Luật Đấu thầu.
Gỡ vướng cho các cơ sở y tế, Bộ Y tế mới đây đã kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị… Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Cụ thể, đối với quản lý giá trang thiết bị y tế: bỏ quy định về thời điểm mua sắm (quy định tại khoản 4 Điều 44 và khoản 3 Điều 52 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP) và chuyển hình thức quản lý, chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý phải kê khai giá thay vì tất cả các mặt hàng như hiện nay và bổ sung quy định tất cả các mặt hàng trang thiết bị y tế phải kê khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để công khai, minh bạch thông tin.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, việc đấu thầu mua sắm công phải thực hiện theo Luật Đấu thầu và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Nếu các đơn vị có khó khăn vướng mắc tổng hợp lại, để Bộ Y tế sẽ đề xuất, sửa đổi. "Hiện tại, trong nước chưa có quy định về mức lợi nhuận, chênh lệch của giá gốc với giá bán ra thị trường, không có quy định giá trần. Thời gian tới khi làm luật về thiết bị y tế, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, tìm hiểu quy định của các nước về vấn đề này như thế nào để có những sửa đổi phù hợp", ông Lợi thông tin.
Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng nêu quan điểm: "Hiện tại, một số văn bản pháp quy đang bất cập, chúng tôi vừa làm và vừa gỡ. Mong rằng, các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp ngành Y tế, giúp cho các bệnh viện có những văn bản pháp quy hợp lý để chúng tôi có một hành lang pháp lý chuẩn, tự tin để làm công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh".