Địa điểm đã đệ trình
Theo Bộ Khoa học và công nghệ (KH và CN), sau khi giao cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam triển khai tìm kiếm và đánh giá địa điểm cho việc xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới, đến tháng 10-2012, Bộ đã chọn được địa điểm phù hợp tại phường 12, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
![]() |
Giới thiệu khái quát hệ thống lò phản ứng.
Đây là địa điểm được các chuyên gia đánh giá có điều kiện thuận lợi, cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 12km, địa hình phù hợp; mặt khác, vị trí này tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định giao cho Bộ KH và CN xây dựng Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân công nghệ cao, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ, với diện tích hơn 100 ha… “Sau khi khảo sát, phân tích, các chuyên gia, đại sứ Nga rất ủng hộ” - Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân cho hay.
Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga hợp tác xây dựng Trung tâm KH và CN hạt nhân nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. |
Dự án Trung tâm KH và CN hạt nhân với nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nga dành cho Việt Nam hơn 552 triệu USD, chủ yếu dành cho phần dự án tại Đà Lạt (499 triệu USD) và địa điểm Hà Nội khoảng 53 triệu USD. Trọng tâm dự án là lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, có công suất dự kiến khoảng 15MWt, gấp 30 lần so với lò phản ứng hạt nhân hiện tại ở Đà Lạt.
Trong phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 4-1-2013, Chính phủ nhất trí với đề xuất của Bộ KH và CN về địa điểm nêu trên. Tuy nhiên, trong hơn một năm qua, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, do chưa có sự đồng thuận về “phương án địa điểm” giữa Bộ KH và CN và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
“Chưa thỏa thuận được địa điểm xây lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Đó là nguyên nhân làm cho tiến trình triển khai dự án chậm lại so kế hoạch và chưa có đủ căn cứ để hai nước đàm phán cụ thể về tài chính” - Bộ trưởng KH và CN nói.
Cân nhắc
Tại văn bản ngày 10-4-2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nội dung đề nghị chọn địa điểm xây dựng dự án cách xa trung tâm TP Đà Lạt khoảng 30 km, không chọn địa điểm như Bộ KH và CN đề xuất. Đồng thời, địa phương chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng dự án.
Nửa tháng sau, Bộ KH và CN có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng ý kiến của Bộ về đề nghị của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, Bộ KH và CN giải thích, làm rõ, phản biện ý kiến của UBND tỉnh Lâm Đồng về tâm lý lo ngại (không có cơ sở) và về hiệu quả dự án (tính khả thi) không đạt được, nếu xây dựng dự án ở xa hơn (như đề nghị của tỉnh Lâm Đồng).
Vậy, tỉnh Lâm Đồng lo ngại điều gì? Theo Bộ KH và CN, qua các lần “đàm phán” và qua các văn bản, tỉnh Lâm Đồng lo ngại nếu xây thêm lò hạt nhân gần trung tâm TP Đà Lạt sẽ ảnh hưởng đến môi trường du lịch, tâm lý người dân và có thể sẽ phá vỡ quy hoạch chung của thành phố - đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trước đó.
Theo Bộ KH và CN, trong trường hợp, địa điểm Bộ đề xuất không được lựa chọn để xây dựng lò nghiên cứu mới, việc xây dựng tại các địa điểm khác sẽ không đạt được mục tiêu xây dựng Trung tâm KH và CN hạt nhân, hiệu quả khai thác trong tương lai, dẫn đến lãng phí đầu tư, nguồn nhân lực hiện có cũng như thời gian. |
Tỉnh Lâm Đồng ủng hộ xây dựng dự án tại địa phương, đồng thời bảo vệ quan điểm của mình, không đồng thuận địa điểm gần trung tâm Đà Lạt như Bộ KH và CN đề xuất và đề nghị năm địa điểm khác, cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 30 đến 40km. Trong đó, ưu thế hơn cả là địa điểm tại Tiểu khu 120, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).
Tuy nhiên, sau khi khảo sát, Bộ KH và CN cho rằng, địa điểm này cách xa trung tâm TP Đà Lạt (khoảng 30km, cách địa điểm đề xuất của Bộ khoảng 18km), cơ sở hạ tầng chưa phát triển và nhiều yếu tố quan trọng khác không phù hợp để xây lò nghiên cứu mới. Báo cáo của Bộ KH và CN nêu: “Điều kiện thực tế hiện nay cho thấy, việc đi lại khó khăn và tốn nhiều thời gian - mất hàng giờ đồng hồ”.
Theo thực tế, địa điểm tại Tiểu khu 120, xã Đạ Nhim có tỉnh lộ 723 (tuyến Đà Lạt - Nha Trang) đi qua, đường trải nhựa nóng, điện lưới cũng đã được kéo tới từ lâu…
Sẽ có “hồi kết”
Vận hành thiết bị.
Trong báo cáo của mình, Bộ KH và CN cho rằng, cần khẳng định rõ, lo ngại của tỉnh Lâm Đồng về việc cơ sở nghiên cứu hạt nhân ảnh hưởng đến du lịch là không có cơ sở. Sau nhiều thập kỷ phát triển của ngành hạt nhân trên thế giới, đối với lò nghiên cứu chưa bao giờ xảy ra sự cố ảnh hưởng đến con người và môi trường. “Về nguyên tắc thì lò phản ứng không có bất cứ nguy cơ nào” - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền khẳng định.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, tại nhiều nước, lò hạt nhân nghiên cứu được xây dựng tại trung tâm thành phố hoặc trong khuôn viên của trường đại học. “Vừa rồi, tôi có đưa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham quan hai nơi, đó là thành phố Daejon (Hàn Quốc), được mệnh danh là thành phố KH và CN phục vụ điện hạt nhân. Lò hạt nhân nghiên cứu (công suất 30 MWt) được đặt trong thành phố. Còn ở Đức, lò (công suất 20 MWt) được đặt trong khuôn viên một trường đại học” - PGS.TS Nguyễn Nhị Điền nói.
Bảo vệ quan điểm đã đưa ra, sau bốn lần làm việc với Bộ KH và CN và tại các buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đều đề nghị cân nhắc lựa chọn địa điểm xây lò nghiên cứu mới. Gần đây nhất, ngày 25-3, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh với lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét việc đưa dự án lò nghiên cứu mới ra xa Đà Lạt.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ tám của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội diễn ra ngày 11 và ngày 12-4, tại TP Đà Lạt, một lần nữa Bộ KH và CN tiếp tục báo cáo về “trở ngại” trong việc chọn địa điểm xây lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới.
Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân mong muốn Quốc hội ủng hộ địa điểm đề xuất của Bộ, đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Lâm Đồng khảo sát, xem xét và có ý kiến thêm, để Thủ tướng Chính phủ có cơ sở quyết định. Bởi, theo kế hoạch triển khai dự án, giờ đã quá chậm…
Trung tâm KH và CN hạt nhân dự kiến gồm hai thành phần, đầu tư trang thiết bị vào một số cơ sở nghiên cứu hiện có của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam ở Hà Nội; đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu hạt nhân mới tại Đà Lạt hiện đại, tập trung một địa điểm, gồm lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất khoảng 15MWt, các phòng thí nghiệm và thiết bị liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng từ việc khai thác lò nghiên cứu này. |