Làm phiền dân
Đồng Liên là xã vùng ven thuộc TP Thái Nguyên, những năm trước đây, người dân muốn đi sang TP Thái Nguyên phải vượt cầu tre tạm rất nguy hiểm bắc qua sông Cầu, sau mỗi trận lũ cầu lại bị cuốn trôi. Không có cầu kiên cố đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Do không có vốn nên UBND tỉnh Thái Nguyên kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên đầu tư cầu Đồng Liên - Hương Sơn dài gần 160 m, rộng 2,7 m với tổng đầu tư theo báo cáo là 12 tỷ đồng và bắt đầu thu phí từ cuối năm 2009, hiện nay mức thu đối với xe máy là 2.500 đồng/lượt, ô-tô là 15 nghìn đồng/lượt. Từ khi cầu được đưa vào sử dụng, xe máy, ô-tô tải nhỏ đi lại thuận lợi, an toàn, góp phần tích cực thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, từ khi thu phí cầu Đồng Liên - Hương Sơn đến nay, chủ đầu tư chỉ bán vé tháng cho hai đối tượng là học sinh, sinh viên và giáo viên (hiện nay là 60 nghìn đồng/tháng), còn người dân địa phương không được hưởng quy định này nên rất bất tiện và tốn kém mỗi khi qua cầu.
Nằm ở ngay bên cạnh cầu, xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên có hơn 70 hộ dân, nghề nghiệp chủ yếu là trồng rau xanh mang sang TP Thái Nguyên bán, ngày nào cũng phải qua cầu treo Đồng Liên - Hương Sơn vài ba lần, lần nào cũng phải dừng lại để mua vé nên rất mất thời gian, phiền toái.
Chị Nguyễn Thị Ca, ở xóm Xuân Đám, bức xúc: “Nhiều hôm chở xe rau nặng, đặc biệt là những hôm mưa gió phải dừng lại để mua vé nên xe chao đảo, rất bất tiện. Nhà có hai xe máy, ngày nào cũng phải qua cầu vài lần mất hàng chục nghìn đồng, mỗi tháng hết 200 đến 300 nghìn đồng là khoản tiền không nhỏ đối với gia đình làm nông. Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chủ đầu tư, các cơ quan chức năng, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được mua vé tháng, nhưng không hiểu sao hơn mười năm qua chưa được chấp nhận”.
Thực hiện mô hình trồng rau an toàn tại xã Đồng Liên, chị Nguyễn Thị Xuyến hằng ngày phải đưa ô-tô tải nhỏ sang chở rau về TP Thái Nguyên tiêu thụ, thu lãi từ trồng rau không được bao nhiêu, nhưng phí qua cầu thì lại tốn kém nên đành dùng xe cải tiến chở rau qua cầu, sang đến đầu bên kia mới xếp lên ô-tô để vận chuyển đi tiêu thụ.
Bí thư Đảng ủy xã Đồng Liên Nguyễn Văn Tư cho biết: Từ khi xã còn thuộc huyện Phú Bình, nay thuộc TP Thái Nguyên, chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư và các cơ quan chức năng thực hiện việc thu phí tháng đối với nhân dân địa phương và những người có nhu cầu, nhưng không hiểu sao từ khi bắt đầu thu phí cầu Đồng Liên - Hương Sơn là từ cuối năm 2009 đến nay vẫn chưa được thực hiện nên gây ra rất nhiều phiền hà, tốn kém cho nhân dân.
Mập mờ hoàn vốn đầu tư
Theo báo cáo của Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên, tổng mức đầu tư của cầu treo Đồng Liên - Hương Sơn là 12 tỷ đồng, còn thực chất là bao nhiêu thì không cơ quan quản lý nào công bố. Bí thư Đảng ủy xã Đồng Liên Nguyễn Văn Tư chia sẻ: “Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương rất mong muốn cơ quan chức năng công bố công khai quyết toán dự án đầu tư cầu Đồng Liên - Hương Sơn, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được thực hiện”.
Được biết, thời gian vừa qua, cơ quan thuế và công an đã khảo sát doanh thu phí hằng ngày, hằng tuần tại cầu treo Đồng Liên - Hương Sơn, nhưng cũng không được công bố công khai cho nhân dân biết. Khi chuẩn bị xây dựng cây cầu này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa phê duyệt, ban hành phương án, thời gian thu phí của chủ đầu tư.
Việc các cơ quan có thẩm quyền không công khai rộng rãi quyết toán tổng mức đầu tư, thời gian hoàn phí trong những năm qua là thiếu trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền, lợi ích của nhân dân, vì về bản chất, nhân dân mới là người đóng góp để xây dựng cầu. Do đó, thời gian tới, việc quyết toán tổng mức đầu tư, phương án thu hồi vốn, thời gian thu phí cần công bố rộng rãi cho nhân dân, nhất là đối với nhân dân xã Đồng Liên.