Xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin

Vùng Đông Nam Bộ đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Trong bối cảnh công nghệ thông tin (CNTT) phát triển mạnh mẽ, dần trở thành lĩnh vực dẫn dắt phát triển, các địa phương trong vùng đang đẩy mạnh liên kết tạo vùng động lực công nghiệp CNTT.
0:00 / 0:00
0:00
Đưa công nghệ vào hệ thống giám sát.
Đưa công nghệ vào hệ thống giám sát.

Doanh thu còn chưa tương xứng

Đông Nam Bộ dù chỉ chiếm 7% diện tích cả nước, nhưng đóng góp GDP khoảng 31%; xuất khẩu khoảng 35%; thu ngân sách khoảng 38% so cả nước. Từ khi đất nước mở cửa đổi mới, hội nhập đến nay, Đông Nam Bộ luôn năng động phát triển và là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Về phát triển công nghiệp CNTT, Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) thống kê, vùng Đông Nam Bộ có ba địa phương nằm trong tốp 10 địa phương có doanh thu công nghiệp CNTT lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, chiếm tới 97,7% doanh thu công nghiệp CNTT toàn vùng. Sản phẩm thế mạnh chủ yếu của các địa phương này là phần cứng điện tử (chiếm 77,2% doanh thu), còn lại là phần mềm, dịch vụ CNTT và nội dung số.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao (SHTP) là một điển hình trong đầu tư, phát triển công nghiệp CNTT. Tính đến tháng 11/2023, SHTP có 160 dự án đầu tư còn hiệu lực. Giám đốc SHTP Nguyễn Anh Thi thông tin, 70 dự án trong số này là đầu tư công nghệ cao với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD. Riêng Tập đoàn Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào nhà máy lắp ráp và kiểm định chip Intel Products Vietnam (IPV), tạo ra khoảng 6.500 việc làm ở lĩnh vực công nghệ cao; đóng góp 76,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu từ năm 2010 đến nay.

Trong khi đó, Bình Dương hiện có tốc độ phát triển công nghiệp CNTT thuộc hàng tốp đầu của cả nước, đứng thứ hai vùng Đông Nam Bộ với doanh thu năm 2021 đạt 2,25 tỷ USD. Năm 2022, tỉnh có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt 11,34%. Toàn tỉnh có khoảng 65 nghìn (97% doanh nghiệp nhỏ và vừa), trong đó có hơn 45 nghìn doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số và có hơn 13.002 doanh nghiệp (có 55.722 lao động) cung cấp, kinh doanh điện tử, CNTT và công nghệ số đang hoạt động.

Còn theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai, doanh thu công nghiệp ICT năm 2022 của Đồng Nai đạt khoảng 0,58 tỷ USD và có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp ICT - Digital Hub.

Trái ngược với ba tỉnh, thành này, các tỉnh còn lại trong vùng có đóng góp rất nhỏ trong vùng và thứ hạng khiêm tốn trong bản đồ công nghiệp CNTT cả nước. Tính rộng hơn, vùng Đông Nam Bộ xếp thứ 3 trong sáu vùng kinh tế trong doanh thu công nghiệp CNTT và chỉ chiếm 11,7% doanh thu công nghiệp CNTT của Việt Nam. Mức doanh thu này là chưa tương xứng tiềm năng của vùng khi Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp CNTT rất lớn.

Ngay cả ba tỉnh, thành là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, cũng có những điểm nghẽn chưa thể phát huy tối đa ngành công nghiệp CNTT. Theo đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, quỹ đất trong SHTP gần như đã được lấp đầy, nhưng chưa thể mở rộng. Cũng về những khó khăn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương Lê Tuấn Anh cho biết, các doanh nghiệp ICT tại Bình Dương chủ yếu sản xuất thành phẩm, hoạt động sản xuất điện tử bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn còn hạn chế.

Còn với Đồng Nai, theo Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Tập đoàn Công nghệ CMC Lê Thanh Sơn, tuy tỉnh có thế mạnh về quỹ đất cho thiết lập các khu công nghiệp chuyên về CNTT, nhưng cần có thêm những chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư và phát triển nguồn lực về công nghệ, chính sách đào tạo hợp lý để phát triển sao cho phù hợp.

Xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin ảnh 1

Các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ đang đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ thông tin.

Định hình để phát triển

Dự thảo Đề án xây dựng Vùng động lực công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm internet vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo, với mục tiêu phát triển công nghiệp CNTT tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành nền tảng, hình thành vùng động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ nhằm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Dự kiến đến năm 2030, Vùng động lực có 8.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, có 120 nghìn nhân lực CNTT, trong đó tập trung nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp phần cứng điện tử (sản xuất vi mạch bán dẫn, sản xuất thiết bị IoT, AI) và triển khai, vận hành trung tâm dữ liệu. Đầu tư thêm 2-3 trạm cập bờ tuyến cáp quang biển quốc tế; 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng IoT.

Trong đó, giai đoạn 2024 - 2030, các tỉnh trên được định hướng tập trung thu hút đầu tư các dự án vào công nghiệp phần cứng điện tử sản xuất vi mạch bán dẫn, thiết bị IoT, AI với tổng nguồn vốn cam kết đạt 3 tỷ USD. Hình thành một đến hai trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại phục vụ cho khu vực, quốc tế, một đến hai cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng.

Để đạt được mục tiêu này, dự thảo Đề án do Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra một số giải pháp như hoàn thiện, xây dựng cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả công tác quản lý phát triển về công nghiệp CNTT và chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng số; nâng cao năng lực phát triển, thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ số; phát triển các khu CNTT tập trung; hoàn thiện và phát triển cấu hạ tầng giao thông, logistics; phát triển nguồn nhân lực; tìm thị trường cho công nghiệp CNTT; thu hút vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp CNTT…

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cần có một cơ chế liên kết vùng trong phát triển công nghiệp CNTT tại Đông Nam Bộ. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò vùng lõi của nghiên cứu - phát triển công nghệ, tập trung các hoạt động sản xuất công nghệ cao có giá trị gia tăng, dịch chuyển các hoạt động sản xuất ở quy mô công nghiệp ra các tỉnh.

Cùng với đó, cần phát triển đồng bộ về chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng số; nâng cao năng lực phát triển, thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ số; phát triển các khu CNTT tập trung; hoàn thiện và phát triển cấu hạ tầng giao thông, logistics; phát triển nguồn nhân lực; tìm thị trường mới; thu hút vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp CNTT.

Về phía địa phương, ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển năm trụ cột kinh tế, trong đó có Trung tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại; thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành và Khu công nghệ cao. Đặc biệt, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bên liên quan triển khai khu Digital Hub gần Cảng Hàng không quốc tế Long Thành để phát triển công nghiệp CNTT. Ngoài ra còn có các trung tâm thử nghiệm, đào tạo nghề chất lượng cao cũng như vườn ươm khởi nghiệp.

Để phát triển hiệu quả các trụ cột, tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường hỗ trợ thiết lập các cơ sở hạ tầng kết nối đa phương thức; thu hút các nguồn vốn đầu tư đa dạng, chất lượng; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai và ứng dụng hiệu quả chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; quản trị, điều hành đồng bộ, hiệu quả; xây dựng thể chế và các chính sách đột phá, trong đó có ngành công nghiệp CNTT.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành quyết định về kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023. Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu sẽ thuộc tốp 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số. Đồng thời, đưa ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp của cơ quan nhà nước nhằm đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; bảo đảm công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 tập trung vào 39 chỉ tiêu (trong đó đề ra 16 chỉ tiêu về chính quyền số, 8 chỉ tiêu về kinh tế số, 15 chỉ tiêu về xã hội số). Thông qua sáu nhóm giải pháp, tỉnh sẽ thực hiện các chỉ tiêu trên, gồm: Truyền thông, nâng cao nhận thức, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đào tạo nguồn nhân lực; giải pháp tài chính; giải pháp hợp tác; kiểm tra, giám sát.