Theo người dân phản ánh, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 tại địa bàn thôn Đồng Vành 2 xảy ra tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất trên diện tích khoảng hơn 5ha, trong đó có cả diện tích rừng tự nhiên đã được giao cho gia đình là lãnh đạo thôn trông coi, quản lý.
Từ ngầm tràn bên cạnh điểm du lịch Cội Nguồn thôn Đồng Vành, chúng tôi vượt núi tìm đến địa điểm do người dân chỉ. Người dân cho biết, khoảng gần 10 năm trước, cả quả núi này đều là rừng tự nhiên. Nhưng giờ đây một nửa bên sườn phía đông của quả núi đã biến thành rừng trồng.
Quả núi chia làm hai phần rõ rệt, một nửa là mầu xanh ngắt của cây già rừng tự nhiên, nửa còn lại là mầu xanh mơn mởn của những ngọn bạch đàn đang vươn mình đón nắng. Điều đáng báo động là hằng năm bằng nhiều cách khác nhau người dân cứ lấn dần vào rừng tự nhiên để trồng bạch đàn và biến thành rừng sản xuất.
Xảy ra tình trạng ''phá rừng để trồng rừng''
Xuyên qua vạt rừng già còn bám lại phía chân núi, chúng tôi lên đến khu vực bị lấn chiếm trồng bạch đàn. Những cây bạch đàn ở đây khoảng 2 năm tuổi. Nằm trên nền đất là cây rừng tự nhiên bị đốn hạ đang trong quá trình khô mục.
Sau khoảng 40 phút trèo núi, chúng tôi đến khu vực cột mốc số 678 của Ban quản lý Bảo tồn rừng Tây Yên Tử. Ngay dưới chân cột mốc phía đông là vạt rừng nguyên sinh, còn từ chân cột mốc trở về phía tây là những cây bạch đàn non. Điều đáng chú ý là tại khu vực cột mốc này, cây rừng bị đốn hạ, đốt gốc cách đây chưa lâu.
Thậm chí, nhiều thân cây rừng vẫn còn tươi sau lớp vỏ ngoài bị đốt vẫn bám đầy tro than, còn những cây bạch đàn nơi đây mới chỉ cao hơn đầu người, thậm chí một diện tích lớn bạch đàn chỉ cao ngang ngực. Hàng trăm cây rừng đường kính từ 20 đến khoảng 40 cm bị đốn hạ và đốt cháy ở phần gốc. Nhiều cây rừng chỉ còn trơ lại gốc, nhiều cây chưa bị mang đi.
Ông Dương Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lục Sơn cho biết, địa bàn của xã hiện có khoảng 8.000ha rừng, trong đó có hơn 4.000ha là rừng tự nhiên đã được giao cho các hộ dân quản lý, bảo vệ trông coi.
Các hộ dân đều được hưởng chế độ bảo vệ rừng theo quy định. Trên địa bàn xã có một trạm kiểm lâm gồm hai người, cho nên việc theo dõi và nắm bắt các vụ việc chặt cây rừng, phá rừng nhỏ lẻ là rất khó khăn bởi diện tích rừng rất lớn, trải rộng trên địa bàn toàn xã.
Ông Hà cho biết, đã nhiều năm nay tình trạng chặt phá cây rừng tự nhiên để trồng bạch đàn của các hộ dân được giao khoán trông coi, bảo vệ rừng diễn biến khá phức tạp. Việc trồng rừng bạch đàn đem lại nguồn thu ổn định, hiệu quả kinh tế cao đã khiến nhiều hộ dân dùng nhiều phương thức khác nhau để chặt phá, lấn chiếm đất rừng tự nhiên trồng bạch đàn.
Đơn cử như cách thức chặt tỉa cây bụi thấp rồi trồng bạch đàn, sau đó chặt hạ dần cây rừng cao và từ từ biến rừng tự nhiên thành rừng trồng bạch đàn. Hoặc có một số người cố tình để xảy ra các vụ cháy nhỏ có kiểm soát để đốt lớp thực bì bên dưới tán rừng, làm khô héo cây rừng gỗ lớn rồi trồng bạch đàn vào những tán rừng bị cháy.
Thậm chí, có những trường hợp ngang nhiên chặt cây rừng với diện tích nhỏ, trữ lượng gỗ rừng thấp, chấp nhận chịu phạt hành chính để trồng rừng sản xuất. Ông Hà cho biết thêm, khi đất rừng sản xuất ngày càng có giá trị kinh tế cao không chỉ hiện tượng chặt phá cây rừng tự nhiên trên địa bàn xã gia tăng, mà tình trạng tranh chấp đất rừng trong người dân cũng diễn biến ngày càng phức tạp.
Hiện nay tình trạng chặt phá cây rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất không chỉ diễn ra trên địa bàn xã Lục Sơn, mà gia tăng trên địa bàn các huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Đây là những huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang có thế mạnh về phát triển kinh tế rừng.
Đối với khu vực rừng gần cột mốc số 678 của Ban quản lý Bảo tồn rừng Tây Yên Tử đã bị người dân chặt phá để trồng rừng bạch đàn, lực lượng chức năng của huyện Lục Nam cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ để ngăn chặn tình trạng này, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên còn lại. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.