Năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh bất động sản Thành Nguyên (Công ty Thành Nguyên) được tiếp nhận toàn bộ dự án Khu dân cư Võ Minh Đức từ Công ty Sản xuất xây dựng thương mại Bửu Lộc.
Tiếp đó, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu dân cư Võ Minh Đức với quy mô hơn 19,4 ha, đến năm 2008 được điều chỉnh lên thành 19,7ha tại phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một (nay là TP Thủ Dầu Một). Ngày 27/1/2010, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định 374/QĐ-UBND phê duyệt dự án và quyết định giao đất để thực hiện dự án cho Công ty Thành Nguyên.
Chủ đầu tư đã tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng được 15ha, trong đó 10ha đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự án cũng đã thi công được một số hạng mục giao thông, điện, nước… Tuy nhiên, từ năm 2011, Công ty Thành Nguyên gặp khó khăn về vốn nên kêu gọi đối tác hợp tác đầu tư. Và từ đây đã xuất hiện những dấu hiệu sai phạm liên tiếp.
Theo ông Lê Thành Điệu, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thành Nguyên thì Công ty Thành Nguyên gồm có ba thành viên gồm: ông Lê Thành Điệu, nắm giữ 41%; bà Ngô Ngọc Giàu, nắm giữ 57,5% (vợ ông Điệu) và ông Lê Văn Thám, nắm giữ 1,5% cổ phần (cha ông Điệu) tổng vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Ngày 1/11/2018, Công ty Thành Nguyên đã ký hợp tác đầu tư thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc VNAM REAL với tổng vốn điều lệ là 600 tỷ đồng.
Công ty Thành Nguyên không có tiền nên tạm trích ra 1,5ha đất tương đương 200 tỷ đồng, cùng với Công ty CP Đầu tư quốc tế Capital do ông Nguyễn Sơn Tùng làm Tổng Giám đốc và Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Liên Hiệp Việt (Công ty Liên Hiệp Việt) sẽ góp 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế trên hợp đồng, ông Nguyễn Sơn Tùng lại ghi Công ty Thành Nguyên góp vốn bằng quyền khai thác diện tích đất đã đền bù giải phóng mặt bằng (tức là 15ha mà Công ty Thành Nguyên đã đền bù) và ông Nguyễn Sơn Tùng cùng Công ty Liên Hiệp Việt không hề góp vốn.
Việc không góp vốn như thỏa thuận hợp tác đầu tư cũng đã được nêu rõ tại Kết luận số 117/CSKT (Đ4) ngày 23/8/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương thông tin về quá trình thành lập Công ty VNAM REAL do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Chỉ hơn 10 ngày sau, ngày 13/11/2018, ông Nguyễn Sơn Tùng và Công ty Liên Hiệp Việt lại đề nghị ông Điệu lập hai hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn của ông Điệu và của vợ là bà Ngô Ngọc Giàu, mỗi người chuyển nhượng 8 triệu cổ phần (trị giá 80 tỷ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ trong Công ty Thành Nguyên) cho ông Nguyễn Đăng Hải-Tổng Giám đốc Công ty Liên Hiệp Việt.
Như vậy, tổng số cổ phần chuyển nhượng của ông Điệu và bà Giàu là 80%, với trị giá 160 tỷ đồng. Phía Công ty TNHH Liên Hiệp Việt nói rằng, họ sẽ dùng hợp đồng này để vay vốn ngân hàng thực hiện dự án, nên ông Điệu và bà Giàu đã ký vào Hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn và tin tưởng sẽ nhận được tiền bởi tại Điều 2 của hợp đồng nêu rõ "Phương thức thanh toán: Bên mua thực hiện chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của bên bán ngay vào thời điểm ký hợp đồng này trước sự chứng kiến của người đại diện theo pháp luật của Công ty".
Thế nhưng, thực tế là ngay sau khi ký hợp đồng và đến thời điểm này, Công ty TNHH Liên Hiệp Việt mới chỉ thực hiện chuyển cho ông Điệu 10 tỷ đồng. Việc này cũng đã được nêu rõ tại Kết luận số 117/CSKT (Đ4) ngày 23/8/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương thông tin về việc chuyển nhượng cổ phần xác định: Công ty Liên Hiệp Việt chỉ mới chuyển số tiền 10 tỷ đồng vào ngày 31/11/2019 trong khi đã được công nhận quyền sở hữu cổ phần tại Công ty Thành Nguyên.
Do các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ký ngày 13/11/2018 là hợp đồng giả cách nhằm mục đích vay vốn ngân hàng nên bà Ngô Ngọc Giàu đã ký Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp số 01/HĐCN, chuyển nhượng toàn bộ 57,5% cổ phần trong Công ty Thành Nguyên cho ông Lê Đức Sĩ. Việc này đã được sự chấp thuận của hai cổ đông còn lại trong Hội đồng quản trị là ông Điệu và ông Thám.
Căn cứ vào sự thay đổi đó, Công ty Thành Nguyên đã thực hiện thủ tục thông báo nội dung đăng ký doanh nghiệp lần 7 vào ngày 12/12/2018 và lần 8 vào ngày 21/12/2018. Ở lần thay đổi thứ 8, ông Nguyễn Tấn Tài được giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thành Nguyên thay ông Lê Đức Sĩ.
Tuy nhiên, dựa vào hợp đồng ngày 13/11/2018, các đối tượng đã làm giả con dấu để làm thư mời họp đại hội cổ đông nhằm biểu quyết thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần thứ 9. Theo ông Nguyễn Tấn Tài (người đại diện pháp luật của Công ty Thành Nguyên tại lần thay đổi thứ 8) cho biết, việc cấp thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần thứ 9 là trái quy định pháp luật, bởi lẽ để được cấp thay đổi phải có chữ ký của ông với tư cách là đại diện pháp luật của Công ty Thành Nguyên theo giấy cấp lần thứ 8 để làm thủ tục.
Ngoài ra, hồ sơ yêu cầu để thay đổi đăng ký kinh doanh cần phải có biên bản họp cổ đông để thống nhất thông qua. Tất cả thành viên cổ đông góp vốn dự họp và biểu quyết. Tuy nhiên, theo ông Lê Tấn Sĩ, cổ đông đang nắm giữ 115.000 cổ phần, tương ứng 57,5% vốn điều lệ Công ty Thành Nguyên, cùng ông Điệu, bà Giàu đều không tham gia. Thế nhưng, hồ sơ thay đổi doanh nghiệp lần thứ 9 của Công ty Thành Nguyên vẫn được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương chấp thuận.
Bên cạnh đó, tại Kết luận Giám định số 409/CV-C09B ngày 22/7/2020 của Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) khẳng định những giấy tờ về danh sách cổ đông mời họp, mẫu phiếu biểu quyết so với con dấu của Công ty Thành Nguyên cung cấp không phải cùng một con dấu đóng ra. Hiện nay, con dấu của Công ty Thành Nguyên vẫn đang được lưu giữ, bảo quản.
Sau khi có giấy chứng nhận thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần thứ 9 do ông Đào Gia Phú làm Tổng Giám đốc, Công ty Thành Nguyên (mới) đã cho xây dựng rầm rộ và chào bán công khai trong khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý. Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng.
Hiện nay, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các phòng, đơn vị yêu cầu Công ty Thành Nguyên nghiêm túc chấp hành và phải thực hiện hoàn chỉnh thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư xây dựng. Ngoài ra, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã có Văn bản số 142/SXD-TTrXD ngày 11/1/2023 về việc đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc cắm biển báo tại các dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng huy động vốn trái phép trên địa bàn. Tại khu vực dự án đã được cắm biển báo nhằm ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng trái phép khi chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Trước những vấn đề liên quan có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sai phạm trong hoạt động xây dựng tại dự án Khu dân cư Võ Minh Đức của Công ty Thành Nguyên, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản chuyển nội dung thông tin đến Công an tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ, xử lý theo thẩm quyền. Ngoài ra, căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với dự án Khu dân cư Võ Minh Đức.