Cần hoàn thiện chính sách ân hạn nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản

NDO - Các doanh nghiệp (DN) sản xuất, gia công thủy sản xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh và cả nước nói chung đang đối mặt với nguy cơ thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa nhà máy. Viễn cảnh xấu này xuất phát từ Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội. Trong đó, quy định DN phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được hưởng ân hạn thuế và thời hạn bảo lãnh tối đa 275 ngày; nếu không, DN phải nộp thuế trước khi thông quan... Theo các DN, trong bối cảnh khó khăn chồng chất hiện nay, điều này sẽ tăng thêm gánh nặng cho DN thay vì cùng nhau chia sẻ.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước mới chỉ đáp ứng từ 60% đến 70% nhu cầu chế biến của các nhà máy. Lượng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu (TSNK) như cá ngừ, tôm biển, mực... tăng rất nhanh qua từng năm. Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, trong giai đoạn 2007 - 2011, tổng giá trị TSNK của Việt Nam đã tăng 118%, giá trị nhập khẩu từ 247,7 triệu USD tăng lên 541,1 triệu USD; trong đó có khoảng 80% đến 85% tổng lượng TSNK được sử dụng cho hoạt động chế biến xuất khẩu. Từ lúc ban đầu có hơn 250 DN tham gia nhập khẩu, đến nay đã có hơn 400 DN nhập khẩu nguyên liệu từ gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Còn trong sáu tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu thủy sản từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ với trị giá đạt gần 331 triệu USD. Trong đó, hơn 200 DN nhập khẩu thủy sản có nhà máy chế biến và nguồn nguyên liệu TSNK đóng vai trò then chốt, chiếm từ 20% đến 90% tổng lượng nguyên liệu chế biến xuất khẩu hằng năm. Lượng nguyên liệu này đã góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 100 nghìn lao động.

Theo các DN, nếu thực hiện chính sách thuế nhập khẩu thủy sản nguyên liệu như đề xuất của Bộ Tài chính, DN thủy sản sẽ rơi vào cảnh lao đao; nhất là trong bối cảnh DN thiếu vốn, thiếu nguyên liệu như hiện nay, ngoài ra DN còn phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho sản xuất và gia công xuất khẩu. Với giá trị TSNK trung bình mỗi năm khoảng 600 triệu USD và mức thuế bình quân 20%, số tiền thuế không được ân hạn là 120 triệu USD. Nếu ngân hàng tính phí bảo lãnh là 2,5%, tương ứng ba triệu USD trong vòng 12 tháng cộng với lãi suất 12%/năm sẽ tương đương 70 tỷ đồng. Như vậy, chính sách mới không giúp ngân sách nhà nước tăng thêm mà các DN phải tăng thêm chi phí, làm đội giá thành sản phẩm. Không những vậy, do khoản phí bảo lãnh mà hạn mức tín dụng của DN sẽ giảm từ 20% đến 40%, dẫn đến khả năng DN phải thu hẹp sản xuất và suy giảm doanh thu. Theo Vasep, ngành thủy sản đề ra mục tiêu đạt 7,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu thủy sản vào năm 2015 và 10 tỷ USD năm 2020. Tuy nhiên, những mục tiêu xuất khẩu thủy sản trên sẽ khó đạt nếu chính sách thuế trên được áp dụng. Ðể ngành thủy sản phát triển tốt hơn nữa, chính sách thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cần được điều chỉnh theo hướng hỗ trợ số đông DN, bổ sung những quy định nhằm loại bỏ những DN làm ăn gian dối, chây ỳ hoặc trốn thuế...