Cần giải pháp khả thi đối với vùng nguy cơ sạt lở đất

Những năm gần đây sạt lở đất diễn ra thường xuyên ở vùng núi thuộc các tỉnh miền trung-Tây Nguyên. Thời gian xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa lũ và số lần xuất hiện có xu hướng gia tăng. Năm 2020 và 2021, tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, sạt lở núi gây thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa và cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế và các công trình công cộng khác lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm những người mất tích trong vụ sạt lở đất tại khu vực Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: CÔNG HẬU)
Hiện trường các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm những người mất tích trong vụ sạt lở đất tại khu vực Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: CÔNG HẬU)

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính tác động đến sạt lở đất chủ yếu là do độ dốc, lượng mưa, thời gian mưa, địa chất, chất lượng của thảm phủ rừng và các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng…

Ở một số địa phương, thiên tai diễn ra trái quy luật, cực đoan và khốc liệt đã gây ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn như các huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Nam Trà My (Quảng Nam), A Lưới (Thừa Thiên Huế)…

Ðiển hình là các vụ sạt lở đất vào cuối năm 2020 ở thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm 67, huyện Phong Ðiền (Thừa Thiên Huế) làm 30 người chết, mất tích; sạt lở đất tại nơi đóng quân Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, Quân khu 4 trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) làm 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp; sạt lở đất ở hai xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) làm 30 người chết và mất tích…

Qua tìm hiểu được biết, trước đó tại những khu vực này lượng mưa quá lớn và mưa trong nhiều ngày. Ðất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu khiến các khối địa chất bị trượt, gây sạt lở đất.

Hiện nay, miền trung đang trong thời kỳ mưa lũ, báo động tình trạng sạt lở núi, sạt lở đất sẽ xảy ra tại một số điểm thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đe dọa tính mạng và cuộc sống của người dân. Chính quyền và lực lượng chức năng các địa phương đã có các phương án, kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao…

Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, trong thời gian tới, thiên tai diễn biến bất thường, trái quy luật, ngày càng lớn về cường độ và tần suất xuất hiện, xảy ra khắp các vùng miền.

Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi còn nhiều hạn chế.

Việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về thiên tai đối với người dân ở vùng có nguy cơ cao, nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa chưa được thường xuyên, kịp thời do hệ thống thông tin liên lạc và giao thông đi lại gặp khó khăn mỗi khi mùa mưa lũ về...

Ðể chủ động ứng phó với thiệt hại do sạt lở núi, sạt lở đất gây ra tại các địa phương, chính quyền và ngành chức năng các cấp cần triển khai đồng bộ các giải pháp có tính bền vững, thích ứng nhất đối với tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu.

Về lâu dài, cần rà soát, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét do tác động của các dự án thủy điện, điện gió, thủy lợi đến sinh sống. Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, nhà ở cần phải bảo đảm tính kháng trượt, kháng sụt, kháng chấn...

Bên cạnh việc ứng dụng khoa học-công nghệ để cảnh báo, dự báo sớm giúp cho công tác phòng, chống thiên tai chủ động, giảm thiệt hại hơn, cần vận dụng và phát huy hài hòa kinh nghiệm, tri thức của người dân địa phương.