Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt hơn 29 nghìn lái xe vi phạm nồng độ cồn. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 277,7% (tăng 21.373 trường hợp). Điều này đã góp phần khiến số lượng các vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu bia giảm sâu so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, tổng số vụ tai nạn giao thông vẫn tăng. Trong dịp Tết Nguyên đán, toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người và 504 người bị thương (tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương so với cùng kỳ năm 2023).
Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông thời gian qua do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát; đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường. Nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, như vụ tai nạn giữa ô-tô tải và hai xe máy đi ngược chiều trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai ngày 14/2/2024 khiến cả bốn người trên hai xe máy chết hoặc vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn ngày 18/2/2024 làm chết ba người trên ô-tô 7 chỗ. Qua xác minh, nguyên nhân của các vụ tai nạn này do lỗi đi sai phần đường, làn đường chứ không phải do sử dụng rượu bia.
Trong tổng số các vụ tai nạn giao thông, thì tai nạn xảy ra trên các tuyến quốc lộ luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 35%.
Một điểm đáng chú ý là trong tổng số các vụ tai nạn giao thông, thì tai nạn xảy ra trên các tuyến quốc lộ luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 35%. Các vụ tai nạn này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là do các phương tiện vi phạm chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, đi sai phần đường, vượt ẩu. Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, người dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện liên quan đến các vụ tai nạn giao thông thời gian qua chiếm tới hơn 18%. Người điều khiển phương tiện thường vi phạm các lỗi không có giấy phép lái xe, không được trang bị đầy đủ kiến thức hoặc thiếu ý thức về các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.
Các chuyên gia về giao thông cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt, thường xuyên và liên tục để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra. Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ trực tiếp do chủ quan người điều khiển dẫn đến tai nạn, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao kiến thức và ý thức cho người tham gia giao thông, nhất là những người điều khiển các phương tiện có tỷ lệ xảy ra tai nạn giao thông ở mức cao như xe tải, xe khách đường dài, cũng như các em học sinh trong việc tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn giao thông.
Nhà nước cần tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác bảo trì, sửa chữa, xử lý các điểm đen tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng như bảo đảm chất lượng công tác kiểm định phương tiện cần phải làm thường xuyên, chuyên nghiệp, nghiêm túc tránh tiêu cực, hình thức.