Cần đưa giá điện về đúng cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước

NDO - Là một sản phẩm hàng hóa đặc thù, phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, song ở khía cạnh xã hội, điện năng cũng là ngành trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn và để bảo đảm hài hòa mục tiêu kinh tế gắn liền với an sinh xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện còn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc "bao cấp", bù trừ; sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất kinh doanh với giá điện phục vụ an sinh xã hội nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra.

Gần đây, để tránh lặp lại kịch bản thiếu điện cục bộ năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến 5 khâu quan trọng của điện, gồm: nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và nghiên cứu giá điện phù hợp. Về quan điểm này, các chuyên kinh tế đều nhất trí phải tính đúng, tính đủ, kịp thời giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Chưa bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí cho sản xuất

PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc chia sẻ: về mặt cơ cấu, giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: Sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành. Ông luôn mong muốn và kỳ vọng là cơ chế điều chỉnh giá của Chính phủ mang hơi hướng, tín hiệu của thị trường. Theo ông, giai đoạn vừa qua là giai đoạn rất đặc thù, chúng ta vừa trải qua thời kỳ đại dịch Covid-19, vì vậy thời lượng, chu kỳ điều chỉnh giá chưa thực sự bảo đảm theo tín hiệu của thị trường.

Đặc biệt sau đại dịch, chúng ta lại chịu tác động của thị trường thế giới, nhiên liệu đầu vào của ngành điện là thị trường mang tính chất quốc tế. Rõ ràng, giá xăng dầu, khí đốt tăng trong khi chúng ta bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô dẫn tới ngành điện hoạt động tương đối khó khăn.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi kỳ vọng, đại dịch đã qua rồi, cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ để bảo đảm ngành điện cũng như nền kinh tế hoạt động ổn định. Chúng ta phải cân nhắc rất rõ, rất kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện, phản ánh hơi hướng của thị trường, để bảo đảm ngành phát triển bền vững, từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và an sinh xã hội mới được bảo đảm.

Đại dịch đã qua rồi, cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ để bảo đảm ngành điện cũng như nền kinh tế hoạt động ổn định.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Kiên cho biết, cuối năm 2020, 2021 và 2022, Chính phủ đã cố gắng lớn trong việc điều hành giá điện coi như một công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô. Lần đầu tiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo với Chính phủ và Chính phủ báo cáo với Quốc hội vào cuối năm 2022 là trong năm 2022, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 bằng cách giảm tiền điện, EVN đã hụt thu 23 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.

Các chuyên gia tư vấn kinh tế cũng kiến nghị Chính phủ phải tính đúng, tính đủ cho EVN, trừ đi cho người dân nhưng vẫn phải cộng vào doanh số của EVN. Vấn đề hạch toán, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan làm cho tốt, hoàn thiện lại. Ông nhận định, công tác điều hành điện của năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt và sẽ căn cơ.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, giá điện chung của chúng ta còn tính bao cấp khá nặng cho nên mức giá của chúng ta khá thấp, đặc biệt là mấy năm gần đây, chi phí cho sản xuất điện tăng rất cao. Việc điều hành giá điện như vậy để hỗ trợ người lao động, an sinh xã hội trong lúc khó khăn. Tuy nhiên hậu quả là thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất, EVN và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng. Điều này cần đặt ra nghiêm túc thời gian tới bởi chúng ta đang tiến lên thị trường, cạnh tranh quốc tế.

Ông bày tỏ quan điểm, nếu giá điện thấp thì lại khiến tiêu dùng điện nhiều, lãng phí đồng thời không khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Cho nên, giá điện phải bảo đảm được khâu sản xuất điện, còn phần hỗ trợ của Nhà nước phải tách riêng ra vào phần an sinh xã hội, nếu không, tính bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường...

Giá điện phải bảo đảm được khâu sản xuất điện, còn phần hỗ trợ của Nhà nước phải tách riêng ra vào phần an sinh xã hội, nếu không, tính bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường.

PGS.TS Trần Đình Thiên

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc tính toán giá điện đã có những nguyên tắc nhất quán mà Chính phủ đã đề ra. Theo đó xem xét điều chỉnh 6 tháng 1 lần nếu như các chi phí đầu vào qua kiểm toán, kiểm soát mà tăng thì buộc chúng ta phải điều chỉnh.

Tuy nhiên, chúng ta đã biết, Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành đến nay đã 6 năm, chúng ta mới có 3 lần điều chỉnh. Về thời gian là không bảo đảm theo quy định. Còn về nội hàm của giá điện, các lần điều chỉnh vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất kinh doanh điện.

Nhưng khi quyết định giá điện, vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hay có những năm hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai... chúng ta không tính đủ giá thành của điện vào trong giá điện. Tất cả những điều đó đều gây khó khăn về dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, chưa nói đến tái sản xuất gặp khó khăn; giá điện càng thấp thì nhà đầu tư không mặn mà đầu tư xây dựng nguồn và lưới.

Giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường. Đã đến lúc chúng ta phải vươn tới nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện làm sao bảo đảm được nguyên tắc mà chúng ta đã đề ra.

Cần định giá đúng theo cơ chế thị trường

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta phải để mức độ giá điện cân bằng, cạnh tranh với thế giới, không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp. Phần bao cấp của Nhà nước cần tách riêng ra mới bảo đảm được giá điện tính đúng, tính đủ, không khuyến khích người sử dụng tiêu tốn quá nhiều năng lượng mà vẫn khuyến khích đầu tư sản xuất điện.

Chúng ta không nên lập luận là "thu nhập thấp nên giá điện thấp" mà phải lập luận ở mức tổng thể hơn, đó là: Giá điện phải đúng để bảo đảm cân bằng sản xuất và tiêu dùng. Cao hơn nữa, nếu cứ duy trì giá điện thấp như hiện nay có khả năng ta đang tạo ra bẫy công nghệ, tức là chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém thì ảnh hưởng nhiều nền kinh tế chung.

Còn theo PGS. TS Ngô Trí Long, trong đầu tư một số nguồn điện, giá điện là một “điểm nghẽn” rất quan trọng. Điều hành giá điện, ngoài theo cơ chế thị trường, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, phải có sự điều tiết của Nhà nước.

Theo đó, Nhà nước cần điều tiết ở chính sách an sinh xã hội và phục vụ cho mục tiêu kinh tế vĩ mô. Chúng ta phải tính toán đầy đủ chi phí, tính đúng, tính đủ, tính hợp lý và kịp thời để đủ bù đắp chi phí, có mức lãi nhất định cho doanh nghiệp, như vậy mới có nguồn cung ứng bảo đảm.

Điều hành giá điện, ngoài theo cơ chế thị trường, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, phải có sự điều tiết của Nhà nước.

PGS. TS Ngô Trí Long

TS Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng cho biết, kinh nghiệm điều hành giá điện trên quốc tế, lấy Singapore làm ví dụ, họ có sử dụng cơ chế là Ban đại diện cạnh tranh. Họ cho các công ty tư nhân thoải mái chào các gói giá điện khác nhau. Tuy nhiên, vừa rồi, trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng, với chi phí đầu vào nhiên liệu rất cao, Singapore cũng gặp khủng hoảng lớn về cung ứng năng lượng và hầu như các công ty cung ứng điện nhỏ lẻ đều bị đóng cửa, họ không thể tiếp tục kinh doanh được. An ninh năng lượng của Singapore hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty có phần vốn nhà nước điều tiết. Về điểm này có gì đó tương tự như chúng ta. Khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động bên ngoài tác động thì vai trò của công ty mà do Nhà nước điều tiết quản lý sẽ cực kỳ quan trọng.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Kiên nêu rõ, một trong những kiến nghị đầu tiên của các chuyên gia tư vấn kinh tế là trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, chúng ta phải bảo đảm truyền thông về giá điện một cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực trạng của ngành điện.

Theo ông, chúng ta chưa làm rõ được giữa phân phối hay tập trung hóa, hay là phi tập trung hóa nguồn điện sản xuất. Hiện nay chúng ta đang tập trung hóa một số vùng, ví dụ như năng lượng mặt trời, chúng ta quá tập trung ở miền trung, năng lượng than và thủy điện thì tập trung ở phía bắc, còn ở phía nam là hỗn hợp vừa khí, vừa than, vừa thủy điện. Thế nên phải giải được bài toán giữa tập trung và phân tán của ngành điện, vì nếu phân tán thì chúng ta sẽ giảm được phí truyền tải, giảm được rất nhiều chi phí đầu tư cho lưới. Nhưng nếu tập trung như bây giờ thì sẽ phải tính thêm phí đầu tư truyền tải vào giá thành của 1 kW điện.

Các chuyên gia tư vấn kiến nghị phải hạch toán đúng giá điện, tức là phải hạch toán đúng phần hỗ trợ vào sản lượng điện và thực hiện an sinh xã hội; phải tính truyền tải vào trong chi phí và tổng mức đầu tư (vì tổng mức đầu tư của đường truyền tải, đặc biệt đường 500KV vô cùng lớn). Nếu chúng ta không tính vào và có cơ chế hợp tác công tư để thực hiện thì không thể thu hút được các nhà đầu tư.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi đánh giá, vấn đề mấu chốt quan trọng nhất vẫn là giá điện, vấn đề này năm 2024 là cấp bách, vô cùng cấp bách, nhưng giai đoạn sau sẽ là áp lực đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vô cùng lớn. Nếu chúng ta cứ tiếp tục duy trì cơ chế giá điện như hiện nay, chắc chắn điều kiện tiên quyết của lộ trình cải tổ thị trường điện cạnh tranh không thực hiện được. Chúng ta đừng kỳ vọng ngày mai có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong khi bây giờ vẫn đang điều tiết giá điện như thế này.

Theo ông, giai đoạn trước mắt bắt buộc phải làm và làm theo chu kỳ bởi càng để dài bao nhiêu thì những lần điều chỉnh sau vô cùng khó bấy nhiêu. Từng bước chúng ta phải di chỉnh dần giá bán điện cho hộ tiêu dùng cuối cùng từng bước, từng bước mang tín hiệu của thị trường, bảo đảm rằng các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện lực là sinh lời, giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đầu tiên và quan trọng nhất là bài toán giá điện phải được tính đúng, tính đủ, rõ ràng; làm sao phải bảo đảm được an ninh nguồn điện. Khi đó chúng ta đi tiếp giải bài toán. Chúng ta không thể tiếp cận riêng lẻ mà đòi hỏi ở đây là các chính sách đồng bộ, không phải đồng bộ hôm nay có cái này, ngày mai có cái kia mà đồng bộ kịp thời, nó phải đồng thời cùng một lúc.