Các vị khách mời tham dự Tọa đàm: Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam;Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa; TS. Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng
Điện năng nói riêng và năng lượng nói chung có vai trò và vị trí hết sức quan trọng, được coi là đầu vào của mọi đầu vào trong nền kinh tế. Thời gian qua, các chính sách về đầu tư, phát triển điện năng được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, qua đó ngành điện đã phát huy tốt được vai trò của mình, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh-quốc phòng của đất nước.
Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh – quốc phòng,… trong đó có yêu cầu bảo đảm cân đối lớn về điện.
Gần đây nhất, chiều ngày 28/10, để tránh lặp lại kịch bản thiếu điện cục bộ năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024. Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến 5 khâu quan trọng của điện, gồm: Nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và nghiên cứu giá điện phù hợp.
Thủ tướng đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan liên quan, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động thực hiện hiệu quả trên nguyên tắc dứt khoát không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào. Trong đó, giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo và phê duyệt việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kịch bản chi tiết về cung ứng điện cho từng quý, từng giai đoạn, đặc biệt là trong những tháng mùa khô, bảo đảm khả thi, hiệu quả và phải có tính dự báo cao.
Là một sản phẩm hàng hóa đặc thù, phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, song ở khía cạnh xã hội, điện năng cũng là ngành trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh… Trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn và để bảo đảm sự hài hòa về mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện còn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc "bao cấp", bù trì; sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất, với giá điện các mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra.
Cần tính đúng, tính đủ, bảo đảm cân bằng giữa sản xuất và tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, việc tính toán giá điện đã có những nguyên tắc nhất quán mà Chính phủ đã đề ra. Như là 6 tháng 1 lần nếu như các chi phí đầu vào qua kiểm toán, kiểm soát mà tăng thì buộc chúng ta phải điều chỉnh. Tuy nhiên, chúng ta đã biết, Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành, cho đến nay là 6 năm, chúng ta mới có 3 lần điều chỉnh. Về thời gian là không bảo đảm theo quy định. Còn về nội hàm của giá điện, các lần điều chỉnh vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất kinh doanh điện. Có nghĩa là tất cả những chi phí sản xuất đầu vào từ phát điện đến truyền tải, phân phối đến quản lý ngành, dịch vụ phụ trợ... tất cả những khâu đó tạo nên giá thành điện.
Nhưng khi quyết định giá, vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hay có những năm hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai... chúng ta không tính đủ giá thành của điện vào trong giá. Như năm ngoái, giá thành tăng 9,27% nhưng chúng ta chỉ điều chỉnh có 3%. Tất cả những điều đó đều gây khó khăn về nhiều mặt. Một là, dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, chưa nói đến tái sản xuất gặp khó khăn. Hai là, giá điện càng thấp thì nhà đầu tư không mặn mà đầu tư xây dựng hệ thống phát, truyền tải. Giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường. Theo ông, đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện làm sao bảo đảm được nguyên tắc mà chúng ta đã đề ra.
PGS.TS Trần Đình Thiên: Giá điện của Việt Nam hiện nay không thấp mà đang cân bằng với thu nhập. Tuy nhiên, đây không phải luận cứ để làm chính sách. Ở đây, có 2 vấn đề.
Thứ nhất, nói đến người dân – người tiêu dùng hằng ngày – thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp và giá điện hiện nay đang ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu giá điện thấp thì lại khiến tiêu dùng điện nhiều, lãng phí đồng thời không khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Và khi đó, quy luật của thị trường sẽ phát huy tác dụng đó là muốn tiêu dùng theo giá điện thấp, sẽ không có điện dùng. Nên việc chúng ta đang xử lý Nhà nước hỗ trợ một phần cho giá điện là cách để bù vào giá thấp này nhưng ông cho rằng cách hỗ trợ như hiện nay đang có vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện thực tế.
Giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện còn phần hỗ trợ của Nhà nước phải tách riêng ra vào phần an sinh xã hội và tính bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường. Chúng ta vẫn phải để mức độ giá điện cân bằng, cạnh tranh với thế giới, không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp. Phần bao cấp của Nhà nước cần tách riêng ra mới bảo đảm được giá điện tính đúng, tính đủ, không khuyến khích người sử dụng tiêu tốn quá nhiều năng lượng mà vẫn khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Chúng ta không nên lập luận là "thu nhập thấp nên giá điện thấp" mà phải lập luận ở mức tổng thể hơn đó là "giá điện phải đúng để đảm bảo cân bằng sản xuất và tiêu dùng". Cao hơn nữa, nếu cứ duy trì giá điện thấp như hiện nay có khả năng ta đang tạo ra bẫy công nghệ, tức là chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém thì ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế chung.
Cần có cách tiếp cận tổng quát
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, cơ cấu điện hiện nay có nhiệt điện, thủy điện và các cơ cấu nguồn khác, trong đó rẻ nhất là thủy điện (chiếm 28%) còn lại là nguồn điện giá thành cao. Nhất là nhiệt điện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như: than, dầu, khí không thể có giá thấp được. Ví dụ như giai đoạn thủy điện xuống mực nước thấp chúng ta phải huy động nguồn giá cao để đảm bảo nhu cầu của cả nền kinh tế. Còn nếu tính đúng thì khi sử dụng dầu sản xuất điện thì giá thành điện sẽ lên đến 5.800 đ/kWh, than khoảng 2.500 - 2.800 đồng/kWh. Chúng ta không thể mua cao - bán thấp do sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào nhưng với sự nỗ lực của Nhà nước, của ngành điện bù đắp về giá từ trước đến nay chúng ta vẫn phấn đấu đủ điện cho nền kinh tế với mức giá chưa đúng, chưa đủ với giá thành.
Trong giá điện hiện nay đang được xử lý đa mục tiêu. Nếu xét về thu nhập, cần làm rõ xem hiện nay chi phí điện chiếm bao nhiêu % trong tổng thu nhập? Đây là điều các nhà hoạch định chính sách đều tính toán. Chưa kể giá điện còn phải liên quan đến việc hoạch định nhiều chính sách khác nữa. Đối với những đối tượng yếu thế thì Nhà nước có thể xem xét cách hỗ trợ khác như hỗ trợ ngoài tiền điện để mọi người dân đều có thể được sử dụng điện. Ông Thoả đồng tình rằng chúng ta luôn luôn nên nói "giá điện hợp lý" thì chúng ta sẽ đạt được nhiều mục tiêu mà chúng ta mong muốn để phát triển.
Theo ông Phan Đức Hiếu, đầu tiên, chúng ta phải có cách tiếp cận tổng quát. Vấn đề giá điện phải đặt trong tổng thể tất cả câu chuyện về sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và với tất cả các chủ thể có liên quan. Tôi cho rằng, có ít nhất 2 bài toán ở đây.
Thứ nhất, đó là bài toán liên quan đến nhà sản xuất điện, nhà phân phối điện, nhà tiêu dùng điện. Trong nhà tiêu dùng điện, lại có các đối tượng khác nhau với các nhóm lợi ích khác nhau. Như vậy, rõ ràng các chủ thể tham gia vào quan hệ sản xuất, phân phối và sử dụng điện đều có những lợi ích khác nhau, có những nhu cầu ở các khía cạnh khác nhau. Ví dụ, ở giá thành này thì bên này có thể lợi nhưng bên kia thiệt hại. Đó là bài toán rất khó. Ngoài câu chuyện hài hòa hóa lợi ích của các bên, câu chuyện thứ hai, đó là về mặt lý thuyết, giá điện được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy một số mục tiêu, chính sách như: Phát triển xanh, tiết kiệm tiêu dùng điện… Do đó, câu chuyện về giá điện phải đặt trong một bài toán tổng thể, không nên nhìn ở một góc này hoặc một góc kia. Khi nói đến giá điện, chúng ta phải phân định các nguyên tắc rất mạch lạc. Tôi cho rằng, tính đúng, tính đủ có thể phù hợp ở một khía cạnh, từ phía nhà sản xuất thôi. Còn để hợp lý phải đặt trong tổng thể bài toán.
Nguyên tắc thứ hai, chúng ta phải phân định giữa giá điện nói chung và các chính sách hỗ trợ khác. Theo tôi, hai câu chuyện này không thể nhập vào làm một. Ví dụ, nếu giá điện tạm gọi là phù hợp, tính đúng, phản ánh thực tế về nguyên liệu đầu vào, cơ cấu ngành điện… thì giá điện có thể trở nên quá cao với nhóm đối tượng này và trung bình với nhóm đối tượng khác. Rất khó để có thể xác định một mức giá điện như thế nào là phù hợp cùng với các chính sách hỗ trợ khác cho các nhóm đối tượng sử dụng giá điện như công cụ để thúc đẩy hành vi tiêu dùng.
Theo ông, đầu tiên, về mặt phương pháp luận, chúng ta phải đặt trong tổng thể, hài hòa lợi ích và đặt các công cụ chính sách khác nhau liên quan đến giá điện. Chúng ta phải biết được chính xác giá điện thực tế là bao nhiêu. Nếu chúng ta tính thấp thì sẽ không thu hút được nhà sản xuất điện, làm cho các bên tham gia vào sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, thậm chí họ không tham gia. Đầu tiên, chúng ta phải xác định được cơ chế để bảo đảm chính xác giá điện, từ đó chúng ta mới suy ra liệu có cơ chế, chính sách nào khác để thúc đẩy sự cạnh tranh hơn về giá.
Nếu giá như vậy tác động đến các đối tượng tiêu dùng khác nhau thì phải điều chỉnh chính sách về giá để bảo đảm lợi ích phù hợp cho các bên có liên quan, chứ không nên lẫn lộn. Bởi nếu lẫn lộn, một bên sẽ được lợi, một bên vô hình chung sẽ bị thiệt hại. Thực ra, rất khó để chỉ ra cụ thể điểm nghẽn về cơ chế, chính sách. Như chúng ta biết, thị trường điện chia ra thành các phân khúc: Nhà sản xuất, nhà phân phối, tiêu dùng. Các công cụ chính sách điều tiết lợi ích để không làm cho một bên được hưởng lợi và không gây thiệt hại quá mức cho bên kia, cũng như đạt được các mục tiêu, chính sách khác, tôi cho rằng cần tập trung vào những điều sau:
Thứ nhất, đối với sản xuất điện, đặc biệt phải rà soát các quy định, làm sao giảm bớt sự độc quyền trong sản xuất và tăng sự cạnh tranh. Ngoài chi phí sản xuất bình thường - đó là cộng dồn của nguyên vật liệu, phương thức sản xuất… tôi cũng nghe nói, đâu đó chi phí về thủ tục, độ trễ về thủ tục, thủ tục trở nên khó khăn, với nhiều điều kiện, đã hạn chế việc gia nhập thị trường. Như thế sẽ giảm tính cạnh tranh và xu thế độc quyền tăng lên, gia tăng các chi phí khác sẽ cộng vào giá điện.
Thứ hai, liên quan đến phân phối điện, phải tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, tăng sự cạnh tranh trong phân phối.
Thứ ba, các chính sách tiêu dùng phải được rà soát, thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng đó là tiêu dùng tiết kiệm điện. Đó không chỉ là hành vi của người tiêu dùng mà còn cả các chính sách liên quan khác như các sản phẩm tiêu thụ ít nhiên liệu, công nghệ tiêu thụ ít nhiên liệu…
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, việc tính đúng, tính đủ giá điện, các chi phí vào giá điện là rất cần thiết, chúng ta không thể duy trì một mức giá bao cấp được, mức giá rất thấp so với chi phí hiện nay như anh Thỏa lúc nãy có nói rất rõ về sự chênh lệch đấy và sự chênh lệch này dẫn đến ngành điện (tức phía cung) không thể đầu tư sản xuất được, thực tế này diễn ra ở Việt Nam bao nhiêu năm nay, rất khổ sở. Chúng ta bàn đến giá điện chủ yếu là bàn đến việc làm sao phải tăng nguồn cung lên, cho đến bây giờ chỉ mới giải quyết theo hướng có giá FIT cho năng lượng tái tạo. Tuy nhiên cũng phải nói như thế nào là đúng, là đủ? Đây là cả một câu chuyện phức tạp, nhưng phức tạo mấy cũng có cách giải quyết.
Về mặt nguyên tắc, chúng ta phải thống nhất một điều nguyên lý thị trường phải là nguyên lý chi phối, dẫn dắt, chứ không phải là nguyên lý bao cấp. Cho nên rõ ràng giữa giá điện thị trường và hỗ trợ cho nhóm xã hội có thu nhập thấp, hai chuyện này tách bạch ra càng rõ càng tốt. Khi đó EVN và các đơn vị không phải gánh lỗ và có nguy cơ phá sản như hiện nay. Theo ông, "giá điện cao chưa chết nhưng mất điện thì chết", không có điện mới gay go. Nói vậy để thấy rằng công cụ giá hiện nay cần được đưa ra sử dụng một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất với nguyên tắc theo thị trường. Ông cũng đồng ý quan điểm tính đúng, tính đủ là yêu cầu khách quan và nó sẽ dẫn dắt sự phát triển ngành điện của chúng ta.