Cần đổi mới tư duy trong công tác xuất bản, phát hành sách

NDO -

Ngày 17-3, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2021.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh thu phát hành xuất bản phẩm năm 2020 giảm 24,4%.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh thu phát hành xuất bản phẩm năm 2020 giảm 24,4%.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020, các chỉ số về sản lượng, doanh thu của hoạt động xuất bản đều giảm. Tổng số xuất bản phẩm là 36.218 xuất bản phẩm (giảm 2,4%) với 403,5 triệu bản. Trên lĩnh vực phát hành, năm 2020, toàn ngành phát hành hơn 330 triệu xuất bản phẩm (giảm 27,7%); doanh thu đạt 3.700 tỷ đồng (giảm 24,4%). Năm 2020, số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu toàn ngành đạt 300 nghìn bản (giảm 28,7%); số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu đạt 21,1 triệu bản (giảm 44,76%)…

Tuy nhiên, một số Nhà xuất bản (NXB) vượt qua khó khăn, thách thức, có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt như: NXB Tư pháp, NXB Thông tấn, NXB Lao động, NXB Đại học Sư phạm, NXB Công an nhân dân, NXB Kim Đồng… Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Các NXB đã có nhiều nỗ lực trong khai thác, tổ chức bản thảo, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm giá trị, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước trong nhiều sự kiện lớn.

Bên cạnh đó, các NXB tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh xuất bản các mảng sách quan trọng như: sách có nội dung đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái, thù địch; sách tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo; sách thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam… Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều cuốn sách có giá trị, thu hút được nhiều bạn đọc và được in với số lượng lớn như: Muôn kiếp nhân sinh, Con chim xanh biếc bay về, Truyện kinh thánh dành cho thiếu nhi… Đặc biệt, một số NXB đã chủ động, tổ chức xuất bản sách cung cấp hệ thống kiến thức về phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch Covid-19 nói riêng góp phần chung tay đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh Covid-19…

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), mặc dù các NXB đã chú trọng về quy trình xuất bản, quy trình biên tập, chất lượng nội dung đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số NXB buông lỏng quản lý dẫn đến vi phạm về nội dung, bị xử lý… Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các NXB còn chậm, chưa có sự bứt phá… Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19, một số cơ sở phát hành thu hẹp quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh, một số hiệu sách phải đóng cửa, xảy ra hiện tượng dư thừa lao động trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cơ quan chủ quản, NXB, đơn vị phát hành sách phải đổi mới tư duy trong công tác xuất bản, phát hành sách hiện nay nhằm thích ứng với mọi đối tượng người đọc, hướng đến con người nhưng phải theo quy luật thị trường. Các cơ quan chủ quản cần quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí, con người, cơ sở vật chất để hỗ trợ NXB của mình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong khi đó, các NXB cần quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng phương thức, nội dung kinh doanh cụ thể, nhất là xây dựng đội ngũ, gắn liền với đó là việc tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của thị trường. Các NXB, công ty sách phải là những bà đỡ cho những tác phẩm có giá trị; quan tâm khai thác, bám sát đời sống thực tiễn, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của từng ngành và nhu cầu của người dân, để làm sao có nhiều sách hay vừa phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, vừa phục vụ cho người dân đồng thời tạo được bản sắc riêng của NXB.

Dịp này, ông Chu Văn Hòa, nguyên Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước. Ban tổ chức cũng đã trao Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông cho các đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong lĩnh vực xuất bản, phát hành năm 2020.