Trực tiếp chỉ huy thi công các hạng mục: Khôi phục 5 cống thoát nước ngang bị hư hỏng, lấp tắc sâu; gia cố, tôn nền, mở rộng nền đường… thuộc công trình giao thông khẩn cấp, ông Mạch Ngọc Đức, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và xây dựng số 6, cho biết: Ngoài yêu cầu tiến độ, chất lượng phải được đặt lên hàng đầu thì việc thi công công trình này còn đòi hỏi bảo đảm an toàn cho người, phương tiện lưu thông vì công trình này nằm trên tuyến quốc lộ chính nối trung tâm thành phố Điện Biên Phủ với các huyện biên giới: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, thị xã Mường Lay và nối với tỉnh Lai Châu.
Chuyển biến trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm tại Điện Biên
Mật độ, lưu lượng người, phương tiện lưu thông trên tuyến đường và qua công trình mỗi ngày rất lớn do vậy riêng việc bảo đảm an toàn giao thông cũng rất nhiều khó khăn.
Để đáp ứng tiến độ thi công các hạng mục, các nhà thầu thi công đã bố trí 15 ô-tô, máy xúc, máy lu, máy ủi cùng gần 100 công nhân chia “ba ca bốn kíp” làm liên tục ngày và đêm.
Các đơn vị thi công đã đưa rất nhiều máy móc, phương tiện phục vụ thi công công trình khẩn cấp bảo đảm giao thông ở Mường Pồn. |
“Trong quá trình thi công, chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn vì địa chất rời, mạch nước ngầm trong khu vực nhiều nên vừa thi công chúng tôi vừa phải xử lý hút nước, ngăn dòng”, ông Mạch Ngọc Đức cho biết thêm.
Đề cập thêm khó khăn trong quá trình thi công, ông Lương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty đường bộ 2 Điện Biên, nói rằng: Ưu tiên tối đa máy móc, nhân lực cho công trình giao thông khẩn cấp, vậy nhưng thực tiễn chúng tôi đang rất khó khăn vì vướng mặt bằng.
Trong khu vực công trình, hiện còn 4 gia đình có đất có nhà nằm trong khu vực nền đường (mở rộng) nhưng người dân chưa cho đơn vị thi công thực hiện cho dù chúng tôi đã nhiều lần thuyết phục và cam kết hỗ trợ một phần kinh phí giúp các gia đình tháo dỡ, di chuyển nhà cửa.
Vướng mặt bằng (các nhà trong ảnh) nên hiện tại tiến độ các dự án khẩn cấp bảo đảm giao thông ở Mường Pồn đang đối diện nguy cơ chậm tiến độ. |
Trực tiếp kiểm tra tiến độ thực địa trên công trường vào chiều 17/10, ông Phạm Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên, vô cùng lo lắng khi tiếp nhận phản ánh từ các nhà thầu.
Ông Phạm Văn Sỹ, cho biết: Do lũ quét xảy ra vào đêm 24 rạng sáng 25/7 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hạng mục, công trình trên quốc lộ 12. Do vậy, ngày 1/8/2024 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 962/QĐ-BGTVT Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại lý trình từ Km169+00-Km172+800 thuộc quốc lộ 12.
Khẩn trương khắc phục hư hỏng, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, Cục Đường bộ Việt Nam đã Ban hành Lệnh xây dựng dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông đoạn Km169+00-Km172+800 trên Quốc lộ 12 với yêu cầu khẩn trương đào thanh thải bùn, đất, đá, sỏi cuội, cây trôi tràn lấp lòng khe, lòng suối, thượng, hạ lưu các cống thoát nước; tôn, đắp, mở rộng nền đường…
Công nhân các đơn vị đang nỗ lực thi công "ba ca bốn kíp" tại công trình khẩn cấp. |
Thực hiện các chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, sở đã yêu cầu các nhà thầu phải tập trung máy móc, phương tiện, nhân lực thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Hạn cuối hoàn thành công trình đã cận kề (ngày 7/12/2024), song vì vướng mặt bằng nên các nhà thầu đang phải thi công cầm chừng kiểu "vừa làm vừa đợi mặt bằng" khiến khó khăn chồng chất khó khăn.
Trong sáng 17/10, lãnh đạo sở đã có buổi làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên đề nghị đôn đốc các phòng, ban và xã Mường Pồn khẩn trương bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công.
“Riêng với công trình này, chúng ta cần thống nhất với nhau là tầm quan trọng sự cần thiết và yêu cầu khẩn cấp. Ở đây, khẩn cấp trước nhất là vì an toàn, thuận tiện của bà con nhân dân vùng lũ quét Mường Pồn. Tiếp theo đó là vì an toàn chung cho người, phương tiện lưu thông trên tuyến và tầm quan trọng của quốc lộ 12 với sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh Điện Biên cùng các tỉnh trong khu vực Tây Bắc. Bởi sự cần thiết, tính cấp thiết ấy, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, khẩn trương của chính quyền địa phương nơi có công trình và các đơn vị, chứ không phải trách nhiệm riêng của ngành nào, cấp nào!”, ông Phạm Văn Sỹ nhấn mạnh.
Do vướng mặt bằng nên các nhà thầu đang phải thi công kiểu "xôi đỗ" với rất nhiều khó khăn. |
Trước đó, như Báo Nhân Dân điện tử đã đưa tin, vào đêm 24 rạng sáng 25/7 tại xã biên giới Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã xảy ra trận lũ quét nghiêm trọng làm 7 người chết, mất tích, hàng chục người bị thương.
Thiệt hại nhà cửa, tài sản của nhân dân và các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, nước sinh hoạt... lên tới hơn 175 tỷ đồng.
Để bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân, đồng thời khẩn trương khắc phục thiệt hại, hư hỏng các công trình hạ tầng cơ sở tại xã Mường Pồn, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã khẩn trương chỉ đạo triển khai các thi công các công trình khẩn cấp và các dự án sắp xếp, bố trí dân cư ứng phó thiên tai vùng lũ quét, song hiện tại các công trình, dự án đều chung thực trạng chậm tiến độ do vướng mặt bằng của gần chục hộ dân.
Thực tế này không chỉ làm chậm tiến độ các công trình, dự án mà kéo theo đó là ảnh hưởng rất nhiều đến mong mỏi an cư của hàng trăm gia đình đã mất nhà, mất người, mất tài sản do lũ. Bởi vậy giờ là lúc cấp ủy, chính quyền xã Mường Pồn cần xắn tay vào cuộc vận động, giải thích để các gia đình đồng thuận, chủ động di dời nhường mặt bằng sắp xếp nơi ở và công trình chung phục vụ cho hàng trăm gia đình với hàng nghìn con người đã, đang từng ngày mong mỏi ổn cư...
Mà hàng nghìn con người đang mong mỏi ổn cư ấy lại không người đâu xa, chính là người cùng dân tộc, cùng bản và thậm chí là cùng chung dòng họ...!