Cần đầu tư xây dựng thêm trường trung học phổ thông công lập

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đạt được nhiều kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm; trong đó, bậc học trung học phổ thông, với 237 trường, gần 303.000 học sinh, hơn 17.000 giáo viên, đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Học sinh Thủ đô, mà phần lớn là học sinh trung học phổ thông, đứng đầu cả nước với 184 em đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, nhiều hơn 43 học sinh so với năm 2023. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh Hà Nội năm nay có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và tăng năm bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước).

Tuy đạt nhiều thành tích nhưng bậc học trung học phổ thông vẫn còn tồn tại một số bất cập; trong đó, đáng nói nhất là thành phố mới có 117 trường trung học phổ thông công lập, ít hơn số trường của các bậc trung học cơ sở, tiểu học, mầm non và được phân bố chưa đồng đều.

Ở khu vực nội thành có mật độ dân số đông nhưng số lượng trường trung học phổ thông chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Điều này gây áp lực rất lớn đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở thi tuyển vào lớp 10, nhất là học sinh ở các quận đông dân như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy… vì hầu hết các gia đình công chức, viên chức, người lao động có thu nhập trung bình ở khu vực này đều mong muốn cho con em mình được học tại các trường trung học phổ thông công lập gần nhà, để tiện việc chăm sóc, quản lý các con.

Nhưng do số trường lớp công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các học sinh, cho nên hằng năm, chỉ có từ 60% đến 62% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông công lập; số học sinh còn lại phải lựa chọn học tại các trường trung học phổ thông dân lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng...

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, thành phố yêu cầu các quận, huyện đã rà soát, dành quỹ đất và đầu tư nguồn lực để xây thêm trường học, nhất là trường trung học phổ thông công lập để đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội.

Theo lộ trình, năm học 2024-2025, thành phố có thêm hai trường trung học phổ thông công lập đi vào hoạt động; trong giai đoạn 2025-2030, sẽ có thêm từ 30 đến 35 trường công lập mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Ngoài ra, thành phố bố trí nguồn vốn xây bảy trường liên cấp tiểu học, trung học cơ sở-trung học phổ thông tiên tiến, hiện đại.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất với thành phố, trong quá trình phê duyệt dự án khu đô thị mới, các chủ đầu tư phải xây dựng trường học để bảo đảm có chỗ học cho học sinh. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu trường lớp ở một số quận, huyện đông dân cư.