Hiện, trên địa bàn thành phố có 57 cơ sở giáo dục đại học, gồm 3 cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc thành phố, 39 cơ sở giáo dục công lập thuộc bộ, ngành, 15 cơ sở giáo dục đại học tư thục. Các cơ sở giáo dục đại học luôn quan tâm công tác bảo đảm chất lượng, nhiều cơ sở giáo dục đại học khẳng định được vị thế trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Các trường đại học luôn chủ động phát triển đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực, mô hình đào tạo và đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế. Công tác hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học ngày càng sâu rộng, đa dạng, phong phú trong các lĩnh vực hoạt động từ đào tạo, nghiên cứu đến quản trị trường đại học.
Trong năm 2023, hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các Trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm sâu sát của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ, phối hợp của các sở, ngành… tạo nên sức mạnh tổng hợp khơi dậy nguồn lực của các cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn thành phố. Qua đó, đã phát huy được vai trò là một tập thể tinh hoa để tư vấn về cơ chế, chính sách cho thành phố, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng mục tiêu phát triển thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Tuy nhiên, Hội đồng Hiệu trưởng các Trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra một số hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể, một số hội đồng khối ngành chưa tương xứng với tiềm năng của các trường do công tác truyền thông, quảng bá và phối hợp giữa các thành viên chưa thực sự chặt chẽ; một số hoạt động theo kế hoạch hội đồng khối ngành triển khai còn chậm; việc xây dựng và ứng dụng nền tảng số trong việc kết nối các trường đại học thành viên nhưng các nền tảng số vẫn còn một số hạn chế…
Năm 2024, Hội đồng Hiệu trưởng các Trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ theo đặt hàng của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời hỗ trợ có hiệu quả các chương trình, đề án của thành phố.
Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành trọng điểm và mô hình đại học chia sẻ bảo đảm triển khai ngay sau khi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ của các đề án thành phần được nghiệm thu. Triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý và tổ chức hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các Trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường kết nối thông tin và dữ liệu số giữa các trường thành viên với các sở, ngành thành phố...
Sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tham gia các chương trình khởi nghiệp sáng tạo. |
Đề cập đến vấn đề đại học khởi nghiệp, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ thành phố sớm đưa ra những gợi ý tiêu chí về đại học khởi nghiệp để từng đại học đăng ký. Qua đó, để thành phố có chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ phát triển đại học khởi nghiệp.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh đến việc đầu tư xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tại một số trường đại học. Xem đây là trung tâm của quốc gia trên địa bàn thành phố đặt tại trường đại học, hoặc là trung tâm của thành phố, hoặc là trung tâm của trường đại học được thành phố đầu tư, hỗ trợ.
Cũng theo đồng chí Phan Văn Mãi, thành phố sẵn sàng đầu tư hình thành các trung tâm xuất sắc tại các trường đại học. Và nhấn mạnh muốn trở thành trung tâm đào tạo quốc tế, việc hình thành các trung tâm xuất sắc về đào tạo ở các trường đại học là rất cần thiết.