Cần có tư duy và cách tiếp cận mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

NDO - Sáng 12/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”.

Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là tại các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9/2022 làm nhiều người chết…).

Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.

Cần có tư duy và cách tiếp cận mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ảnh 1

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, kết nối đến đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng yêu cầu phải phân tích, đánh giá, tìm cách giảm thiểu các vụ việc trên đồng thời đặt vấn đề tại sao các vụ cháy hay xảy ra ở các cơ sở kinh doanh karaoke.

Nhân đây, một lần nữa Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn trong các vụ cháy vừa qua, những người bị nạn đang phải điều trị, những người chịu thương tật do hậu quả vụ cháy; và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn phù hợp điều kiện, hoàn cảnh.

Những vụ việc nghiêm trọng trên rất thương tâm, đặt ra yêu cầu cảnh báo tình hình rất khẩn cấp, đòi hỏi phải có tư duy, cách tiếp cận mới về công tác phòng cháy, chữa cháy, ứng phó các sự cố, bảo đảm an toàn tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước tình hình đó, Thủ tướng cùng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo đảm tính khách quan, đồng thời, tổ chức hội nghị để kiểm điểm, đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.

Cần có tư duy và cách tiếp cận mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nhấn mạnh, phòng cháy, chữa cháy và công tác cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi kinh tế, xã hội nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhà và công trình cao tầng ngày càng nhiều; hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn, dẫn tới nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn… Trong khi đó, nhận thức, hành vi, thói quen về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của mọi người còn hạn chế; kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố là chưa cao; việc thực thi quy định pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, bất cập.

Thủ tướng lưu ý, quy hoạch phải bảo đảm thông thoáng, khi có sự cố phải ứng cứu được, các phương tiện cứu nạn phải tiếp cận được; nhất là các khu đô thị lớn, đông dân cư ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các quy định chưa “phủ” hết mọi góc cạnh của cuộc sống, do đó cần phải điều chỉnh kịp thời với tư duy và phương pháp luận mới.

Nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của hội nghị trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng đề nghị các đại biểu với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), rút ra những bài học kinh nghiệm, trong đó tập trung vào các vấn đề như: hoàn thiện chính sách, pháp luật; khâu tổ chức thực hiện và công tác quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm; tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn (nhất là về con người, công nghệ, trang thiết bị…).

Cần có tư duy và cách tiếp cận mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ảnh 3

Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long báo cáo công tác phòng cháy, chữa cháy và thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cháy và thiệt hại do cháy gây ra vẫn tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm hơn 45% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm hơn 30% tổng số vụ), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm trên 45% tổng số vụ.

Cháy lớn xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư tập trung. Cơ sở xảy ra cháy chủ yếu là cơ sở sản xuất, chế biến các mặt hàng dễ cháy, nổ với quy mô, diện tích nhà xưởng lớn trong các khu công nghiệp. Trong 5 năm, xảy ra 193 vụ cháy lớn, chiếm 1,13% tổng số vụ cháy, nhưng gây thiệt hại về tài sản ước tính 4.337 tỷ đồng, chiếm 61,57% tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra; xảy ra 191 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, làm chết 433 người, bị thương 790 người.

Về tình hình công tác cứu nạn, cứu hộ: trong 5 năm, triển khai nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Nghị định 83, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã điều động 235.208 lượt cán bộ, chiến sĩ và 30.435 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với 17.938 vụ cháy nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người; tìm được 3.350 thi thể nạn nhân bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, Thủ tướng trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự xả thân, hy sinh, quên mình của lực lượng Công an nhân dân nói chung, các lực lượng tham gia nhiệm vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ; nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, không quản ngại khó khăn, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ cao cả, vì sự bình yên của cuộc sống, vì tính mạng của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ 5 năm qua, còn tồn tại, hạn chế, bất cập, xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, rất thương tâm, đau lòng là cảnh báo cho thấy tình hình rất khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, ứng phó các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng người dân.

Cần có tư duy và cách tiếp cận mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng lưu ý, dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó, hạ tầng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa theo kịp yêu cầu; biến đổi khí hậu cực đoan, nguy cơ toàn cầu, khó lường, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp; nguy cơ cháy rừng sẽ cao hơn; sự thay đổi địa chất tại một số vùng, miền dẫn đến nguy cơ động đất.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm: tình hình cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn, khu đông dân cư, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, quán karaoke, bar, vũ trường... Điều này đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, sự quản lý nhà nước, hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng PCCC.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, người dân phải là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; mọi chính sách liên quan vấn đề này phải hướng đến người dân, người dân phải tham gia quá trình này; đặt an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ góp phần bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mục tiêu đặt ra cho công tác này phải cao hơn so thời gian qua: phải ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới chấm dứt chết người vì hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan; đề cao ý thức, kỹ năng của người dân trong phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ.

Về các giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 47-CT/TW và Kết luận 02 ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; các văn bản, nghị quyết của Quốc hội; các nghị định, quyết định văn bản có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và khi xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu sự cần thiết, tính khả thi, cấp bách xây dựng Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình hiện nay; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, cứu nạn, cứu hộ phù hợp tình hình.

Tập trung kiểm tra những nơi nguy cơ xảy ra cháy nổ; chú ý hoàn thiện quy định về phòng cháy chữa cháy tại các quán karaoke; tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Phát huy vai trò của người dân trong việc phải có ý thức tự bảo vệ cho chính mình, tự bảo vệ cho chính mình thì mới tham gia bảo vệ cho cộng đồng.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Trước mắt, Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác PCCC; trong đó chú ý các cơ sở tập trung đông người, các nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ, nhất là các khu chung cư cao tầng; xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào hoạt động không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Việc này phải thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, nghiêm minh, không lợi ích nhóm, không vụ lợi; làm rõ trách nhiệm những người liên quan.

Kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, cơ sở; tăng cường tập huấn, đề ra các phương án sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Công an, Quân đội và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ này. Các Bộ, ngành, địa phương quan tâm bố trí kinh phí đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ; khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng PCCC 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn, cứu hộ; huy động nguồn lực hợp tác công tư, xã hội hoá để mua sắm trang thiết bị.

Xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo đúng tinh thần Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị; Bố trí phù hợp lực lượng PCCC ở các địa bàn trọng điểm, mở rộng mạng lưới, bảo đảm bám địa bàn, bám cơ sở; Khẩn trương nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các công nghệ cao, công nghệ chữa cháy tự động.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; tập trung hoàn thành quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở sản xuất kinh doanh đặc thù, nhạy cảm, trong đó có quán karaoke, vũ trường, bar, chợ, kho; nhất là liên quan đến việc chuyển đổi công năng sử dụng; phối hợp Bộ Công an khẩn trương sửa đổi các quy định về cấp nước chữa cháy tại các khu công nghiệp, khu đô thị.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện (sau công tơ), bảo đảm an toàn về PCCC tại các cơ sở, hộ gia đình. Rà soát cơ sở kinh doanh, bảo quản hóa chất có nguy cơ cháy, nổ cao xen cài trong các khu dân cư để có kế hoạch di dời, bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường phổ biến, kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung công việc PCCC và cứu nạn, cứu hộ vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đặc thù cho lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp tính chất công việc và điều kiện hoàn cảnh đất nước, cân đối với các lực lượng khác.

Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành mới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm điện; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát công tác cấp phép kinh doanh, hoạt động, tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với dịch vụ karaoke; quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh karaoke.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo công tác PCCC rừng; khẩn trương xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về PCCC rừng.

Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự hưởng ứng, tham gia của xã hội; phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC, cứu nạn, cứu hộ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC và khi xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu kiểm tra, giám sát. Công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương ban hành Nghị quyết về mức chi ngân sách cho hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Khẩn trương hoàn thành việc tích hợp nội dung quy hoạch hạ tầng về PCCC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vào quy hoạch chung của tỉnh, thành phố (hoàn thành trong năm 2022). Xây dựng mô hình an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ ở cấp huyện, cấp xã.

* Theo Bộ Công an, trong 5 năm (2017-2021), toàn quốc xảy ra 17/055 vụ cháy gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng. Thiệt hại do cháy gây ra làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 7.043 tỷ đồng và 7.548ha rừng; ngoài ra, xảy ra 2.769 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy; xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng và 39ha rừng; ngoài ra xảy ra 2.376 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy; xảy ra 10 vụ nổ làm 7 người chết, bị thương 11 người. Theo phân tích tình hình cháy, về địa bàn xảy ra cháy: thành thị xảy ra 9.002 vụ (chiếm 60,37%); nông thôn xảy ra 5.909 vụ (chiếm 39,63%).