Cần có sự điều chỉnh trong cách ra đề thi môn Lịch sử

NDO -

PGS,TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cách dạy, cách học môn Lịch sử hiện nay đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, cách ra đề thi vẫn theo lối mòn là con số, sự kiện tỉ mỉ, bắt học sinh phải nhớ, phải thuộc máy móc.

PGS,TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
PGS,TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử do Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành của cả nước năm 2021 cho thấy: Có 637,005 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 4.97 điểm, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 331,429, chiếm tỷ lệ 52.03%.

Trong khi đó, kết quả trung bình học bạ của học sinh là 7,659. Như vậy, việc có một khoảng cách khá xa giữa điểm thi và điểm học bạ, cho thấy cần có sự điều chỉnh từ phương dạy học, ra đề, thi, kiểm tra để có đánh giá chân thực nhất về chất lượng dạy học môn Lịch sử.

PGS,TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cách dạy, cách học môn Lịch sử hiện nay đã có nhiều thay đổi và kết quả thi tốt nghiệp môn Lịch sử chưa phản ánh đúng chất lượng dạy học.

“Hiện nay, giáo viên Lịch sử đã và đang tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học trên tinh thần Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Người dạy ít truyền đạt sự kiện, con số, năm tháng khô khan như trước đây, mà đi vào dạy những vấn đề có tính quy luật phát triển của lịch sử, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc, học lịch sử gắn với cuộc sống...”,  PGS,TS Nghiêm Đình Vỳ cho biết.

 “Tôi nghĩ, giáo viên phổ thông môn Lịch sử luôn sát học sinh, hiểu, nắm được trình độ của học sinh, cho nên các đề thi, kiểm tra gắn với chương trình, cơ bản phản ánh đúng trình độ của học sinh được ghi trong học bạ”- PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ nhìn nhận.

Theo ông, còn tồn tại khoảng cách giữa cách dạy và kiểm tra, đánh giá. Người ra đề nhìn nhận là dễ, phù hợp; trong khi nhiều giáo viên học sinh nhận xét là đề khó, chưa sát yêu cầu phát triển năng lực.

Quan sát đối với đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử những năm qua cho thấy vẫn đi vào vụn vặt, cụ thể, tỉ mỉ, đầy đủ kiến thức sự kiện... Câu hỏi trắc nghiệm nêu 4 đáp án, có một đáp án đúng, 3 đáp án sai, nhiều khi đáp án sai có thể hại đến nhận thức và giáo dục tư tưởng chính trị, trái với việc giáo dục phẩm chất tốt đẹp cho các em. Vì vậy, cách ra đề sẽ dẫn đến giáo viên vẫn theo lối mòn dạy nhồi nhét kiến thức, không thể thực hiện đổi mới.

Từ phân tích nêu trên, PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ nhận định, đề thi môn Lịch sử chưa theo kịp so với định hướng đổi mới dạy học phát triển năng lực. Vì vậy, theo ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá cho đúng với định hướng phát triển năng lực của học sinh.

Việc ra đề thi không nên theo lối mòn là con số, sự kiện tỉ mỉ, bắt học sinh phải nhớ, phải thuộc máy móc. Cần giảm kiến thức hàn lâm trong đề thi. Cần loại bỏ những câu hỏi và thay bằng những câu hỏi theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình trong ngân hàng đề thi. Cơ cấu đội ngũ ra đề phù hợp, tăng giáo viên phổ thông am hiểu chương trình, nắm sát đối tượng… để việc thi, đánh giá đúng với chất lượng dạy học môn Lịch sử.