Đây là nhận định được các chuyên gia và đại diện các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió đưa ra tại buổi họp báo chiều 30/11, nhằm cung cấp thông tin trước thềm Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 dự kiến diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/12 tại Hà Nội.
Tiềm năng lớn nhưng chưa được khai phá
Theo đánh giá của các đại biểu, dự thảo Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu đạt 7GW điện gió ngoài khơi và 21GW điện gió trên bờ vào năm 2030, và ngành điện gió Việt Nam đã sẵn sàng và hoàn toàn có thể thực hiện các mục tiêu này.
Ông Adam Bruce, Giám đốc đối ngoại toàn cầu của Công ty Mainstream Renewable Power cho biết, là điểm sáng đầu tư toàn cầu, Việt Nam đã thu hút sự chú ý của thế giới trong thời gian dài. Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam có nhu cầu năng lượng cao, trong khi năng lượng gió đang là xu hướng thay thế các nguồn năng lượng truyền thống khác và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Ông Adam Bruce, Giám đốc đối ngoại toàn cầu của Công ty Mainstream Renewable Power. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Với vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, chuyên gia Adam Bruce đánh giá Việt Nam có tiềm năng gió rất lớn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để phát triển và thu hút đầu tư quốc tế trong ngành công nghiệp mới này, qua đó đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước trong tương lai, đồng thời giúp đạt được các cam kết phát thải ròng bằng 0.
Chung quan điểm, ông Mark Hutchinson - Giám đốc khu vực châu Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, những mặt hàng năng lượng truyền thống như than đá và khí hóa lỏng được dự báo sẽ đối mặt với tình trạng giá tăng cao và nguồn cung chịu nhiều áp lực trong thời gian tới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Trong khi đó, điện gió là nguồn lực sẵn có của Việt Nam và cũng không bị phụ thuộc vào các biến động trên toàn cầu. Do đó, theo chuyên gia Mark Hutchinson, Việt Nam có thể tự cung tự cấp được năng lượng nếu phát triển mạnh các nguồn này.
Ông Mark Hutchinson - Giám đốc khu vực châu Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC). (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Khẳng định tương lai của thế giới là năng lượng tái tạo, Giám đốc khu vực châu Á của GWEC cũng khuyến nghị, thay vì tiếp tục nhập khẩu năng lượng hóa thạch, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào những nguồn trong nước để bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của báo chí về việc có những thời điểm nguồn điện gió ở Việt Nam huy động chưa được 1% (0,37%), trong khi điện mặt trời cũng chỉ huy động ban ngày (chủ yếu từ 8 giờ sáng đến 3-4 giờ chiều), ông Mark Hutchinson cho biết, trước khi xây dựng một dự án điện gió, nhà đầu tư bắt buộc phải khảo sát, đo gió tại khu vực đó.
Việc khảo sát gió kéo dài từ 1-2 năm, đồng thời nhà đầu tư phải xây tháp đo gió để có những đánh giá cụ thể mức độ gió ở các thời điểm, các mùa như thế nào.
Với những dự án điện gió hoàn thành trước năm 2021, chủ đầu tư không đi theo quy trình đó, nên chất lượng gió không tốt. Khi nguồn điện gió huy động chưa được 1% trên tổng số 3.980MW, lợi nhuận của nhà đầu tư đi xuống. Chính vì vậy, khi thực hiện các dự án điện gió, quy trình đo gió rất quan trọng, ông Mark Hutchinson cho hay.
Bà Lê Thị Phương Nhi, đại diện Công ty Siemens Gamesa Việt Nam. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Lê Thị Phương Nhi, đại diện Công ty Siemens Gamesa Việt Nam - đơn vị cung cấp giải pháp kỹ thuật về phát triển điện gió tại Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư có xây dựng các trụ đo gió nhưng trụ này không nằm trong dự án mà ở xa dự án, trong khi mùa gió năm nay thấp hơn các năm. Đó là lý do việc huy động nguồn điện gió không được nhiều.
Gỡ nút thắt cơ chế để điện gió vươn khơi
Các chuyên gia nhận định, nếu ngành điện gió ngoài khơi được cho phép phát triển một cách tự nhiên và thuận lợi từ một số dự án sơ bộ đã được chuẩn bị tốt, thì cách tiếp cận “theo giai đoạn” của với các biểu giá mua điện tương ứng cho điện gió ngoài khơi, và dần giảm các khoản này trong các cuộc đấu giá theo thời gian có thể cho phép điện gió ngoài khơi trở nên rẻ hơn hầu hết các hình thức sản xuất năng lượng khác.
Ông Adam Bruce đánh giá, Việt Nam có một ngành điện gió phát triển nhanh, công tác dự báo, đo đạc ngày càng hoàn thiện, và toàn ngành đang nỗ lực để làm cho môi trường đầu tư ngày càng cạnh tranh, hấp dẫn hơn. Đây chính là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư.
Theo ông Adam Bruce, các nhà đầu tư đặt kỳ vọng Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ các nước đã phát triển điện gió ngoài khơi thành công như Vương quốc Anh hay Đài Loan (Trung Quốc) để tính toán giá điện chuyển tiếp sao cho hợp lý, hấp dẫn.
Trong đó, cần thí điểm, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước để rút ngắn thời gian, hiện thực hóa các mục tiêu về điện gió ngoài khơi, đồng thời có kết nối với các cơ quan có chức năng trong các vấn đề như khảo sát biển, giấy phép…
Các chuyên gia chia sẻ về tiềm năng cũng như phương hướng để gỡ nút thắt cho điện gió Việt Nam phát triển. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Liên quan thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tạm dừng cấp phép khảo sát biển đối với các doanh nghiệp điện gió ngoài khơi cho đến khi xây dựng được quy định liên quan, ông Mark Hutchinson cho rằng, giai đoạn đầu tiên để xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi là được khảo sát mặt biển, đồng thời thực hiện các hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường biển… để thẩm định, phê duyệt việc thực hiện khảo sát điện gió ngoài khơi theo quy định. Nếu có sự chậm trễ ở khâu nào sẽ gây chậm trễ ở các khâu khác.
“Chúng tôi biết rằng trên biển không chỉ thực hiện các dự án năng lượng mà còn nhiều mục đích khác như khai thác dầu khí, đánh bắt thủy hải sản. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết những khó khăn này, nhằm có giải pháp phân bổ khảo sát ở từng khu vực biển, thay vì áp dụng trên cả nước”, ông Mark Hutchinson nói.
Cũng theo chuyên gia này, thay vì áp dụng cho cả nước, nên cân nhắc áp dụng khảo sát tại một số tỉnh, thành phố để khởi động xây dựng các chuỗi cung ứng cho dự án điện gió, từ đó giảm giá thành, mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Ông Bùi Vĩnh Thắng - Giám đốc quốc gia của GWEC tại Việt Nam. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Theo ông Bùi Vĩnh Thắng - Giám đốc quốc gia của GWEC tại Việt Nam, vấn đề cấp thiết nhất của điện gió ngoài khơi hiện tại là giấy phép khảo sát. Nếu không có giấy phép, thiếu cơ chế, thiếu kế hoạch dài hạn thì “không làm được gì cả”, dù tiềm năng điện gió của Việt Nam là rất lớn.
“Phần lớn các doanh nghiệp lớn về điện gió của thế giới đã có mặt ở Việt Nam và điều họ cần là các giấy phép. Do đó, chúng ta có thể vừa làm, vừa phát triển chính sách, vừa đối thoại nhưng quá trình này thường mất nhiều thời gian, có thể từ 7-8 năm. Chính vì vậy, cần phải bắt tay tiến hành các dự án điện gió ngay lập tức để bảo đảm mục tiêu 7GW điện gió ngoài khơi. Chúng tôi sẵn sàng ngồi lại với đại diện các bộ, ban, ngành để thảo luận nhằm gỡ nút thắt chính sách cho phát triển điện gió ở Việt Nam”, ông Bùi Vĩnh Thắng nhấn mạnh.
Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 - Vietnam Wind Power (VWP) là sự kiện chính thức của ngành điện gió Việt Nam do Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức từ năm 2018.
Năm nay, sự kiện thu hút sự tham dự của 350 đại biểu là lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện đại sứ quán các nước tại Việt Nam, cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.
Trong đó, 70 diễn giả dự kiến sẽ tham gia trình bày tham luận và tham gia thảo luận cùng đại diện Chính phủ và ngành điện gió về các vấn đề cấp bách chung quanh việc phát triển năng lượng gió ở Việt Nam.