Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo Tình hình, kết quả ba năm thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 29/11.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết: Ngày 27/7/2020, Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Quyết định số 1129/QĐ-TTg được ban hành trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 thứ hai đang diễn biến phức tạp ở Đà Nẵng đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo dựng động lực mới cho hoạt động kinh tế.
“Mô hình kinh tế ban đêm đã được nhận diện như là một mô hình kinh tế mới, xếp chung nhóm với các mô hình khác đang rất được quan tâm như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Tư duy chính sách đối với mô hình kinh tế ban đêm cũng đã được lồng ghép hiệu quả vào chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chẳng hạn như chính sách về phát triển du lịch, giao thông,…”, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh nói.
Báo cáo của CIEM cho thấy, quá trình thực hiện phát triển kinh tế ban đêm từ năm 2020 đến nay đã có nhiều kết quả quan trọng. Đó là nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về chủ trương, quan điểm, mục tiêu và các giải pháp phát triển kinh tế ban đêm có những chuyển biến. Một số địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế ban đêm.
Các địa phương đã mạnh dạn hơn trong triển khai các giải pháp phát triển kinh tế ban đêm và chia sẻ được một số cách làm mới, điển hình tốt về phát triển kinh tế ban đêm như cách quy hoạch và tổ chức phố đi bộ truyền thống gắn với các dịch vụ mới của Hà Nội.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra việc hiện thực hóa các mục tiêu, chính sách phát triển kinh tế ban đêm còn không ít vấn đề, tồn tại. Cụ thể, các hoạt động kinh tế ban đêm được quan tâm nhiều hơn nhưng còn thiếu đa dạng, thiếu đặc thù và thiếu sáng tạo, chủ yếu dừng ở các hoạt động ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, phố đi bộ, chợ đêm...
Việc nhìn nhận và xử lý các rủi ro an toàn, an ninh, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với kinh tế ban đêm còn không ít bất cập. Lồng ghép quy hoạch cho hoạt động kinh tế ban đêm vào các quy hoạch thời gian cũng chưa có chuyển biến rõ ràng.
Hiệu quả của các hoạt động kinh tế ban đêm vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và ở nhiều địa phương còn khiêm tốn hơn so với mức tiềm năng; các chuyển biến về chính sách cụ thể hướng tới phát triển kinh tế ban đêm còn chưa nhiều.
Các địa phương nhìn nhận yêu cầu phải có những chính sách có tính đột phá, thậm chí thông qua thí điểm để phát triển kinh tế ban đêm nhưng các kiến nghị ít nhiều còn chậm được cụ thể hóa.
Mức độ tương tác giữa mô hình kinh tế ban đêm với các mô hình kinh tế mới khác (như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo,…) còn tương đối hạn chế.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, đánh giá các yếu tố bối cảnh giai đoạn 2024-2026 có ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai đầy đủ Quyết định số 1129/QĐ-TTg; những nguyên nhân khách quan và chủ quan của các kết quả, tồn tại, hạn chế; định hướng trọng tâm nhằm thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, đột phá hơn nhằm phát triển kinh tế ban đêm trong thời gian tới.