Tuy nhiên, để “đánh thức” tiềm năng và phát triển kinh tế ban đêm đúng hướng, Việt Nam sẽ phải trải qua không ít thách thức.
Kinh tế ban đêm được hiểu là tất cả những hoạt động, dịch vụ diễn ra sau 17 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện... Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đẩy mạnh hình thức kinh tế mới mẻ này. Theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm của Anh đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm.
Trong đó, riêng thủ đô London chiếm khoảng 40% về quy mô, tương đương 26,4 tỷ bảng và tạo ra việc làm trực tiếp cho 723 nghìn lao động. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng ước tính việc kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở giải trí sẽ tăng 25% chi tiêu của du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đất nước này. Tương tự, Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ ban đêm. Kết quả, các hoạt động kinh tế về đêm ở Tokyo đã thu về khoảng 3,76 tỷ USD/năm.
Tại Việt Nam, tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Có thể thấy, mặc dù đã có sự cởi mở hơn về chính sách nhưng mô hình này vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng. Không ít du khách khi đến Việt Nam không tìm được các điểm vui chơi, mua sắm mong muốn vào những khung giờ muộn.
Điều này khiến chi tiêu của du khách giảm đáng kể và hoạt động du lịch kém hấp dẫn hơn. Thực tế, hoạt động kinh tế về đêm lâu nay mới chỉ được biết đến với các khu chợ đêm, tuyến phố đêm đặc trưng như: Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (Thành phố Hồ Chí Minh); chuỗi các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ tại một số thành phố lớn...
Sở dĩ mô hình này vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả là bởi vướng không ít rào cản. Các hoạt động giao thương về đêm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tệ nạn xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hơn nữa, các dịch vụ du lịch, mua sắm, ăn uống về đêm cũng gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng người dân trong khu vực và lân cận. Thêm vào đó, các hoạt động kinh tế ban đêm khi thu hút lượng lớn du khách cũng có thể gây ô nhiễm môi trường, quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng... Mặt khác, hiện cũng chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy tiềm năng của loại hình kinh tế còn khá mới mẻ này.
Lợi thế của mô hình kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch thông qua các dịch vụ mua sắm tiêu dùng siêu tiện lợi, các hoạt động văn hóa, giải trí, tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Những đóng góp từ mô hình này cho nền kinh tế quốc gia là rất lớn, do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện thí điểm và nhân rộng.
Cụ thể, cần rà soát, hoàn thiện chính sách và tạo hành lang pháp lý thống nhất về phát triển kinh tế ban đêm như: ban hành quy định cụ thể về loại hình kinh doanh, thời gian hoạt động, giấy phép hoạt động, tiêu chuẩn hoạt động và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý, quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm... Ngoài ra, cần gắn phát triển kinh tế ban đêm với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vừa đáp ứng nhu cầu du khách, vừa quảng bá văn hóa địa phương.