Thu hút, giữ chân người giỏi
Thảo luận tại tổ về dự thảo luật nêu trên, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành luật như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong việc thu hút người giỏi, kể cả cán bộ điều hành, lao động trình độ cao và công nhân lành nghề. Đại tá Trần Thế Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173) cho biết, đóng tàu là ngành nghề vừa nặng nhọc vừa độc hại, trong khi thu nhập và tiền lương chưa thật sự hấp dẫn. Hiện nay, địa bàn nhà máy đứng chân có nhiều doanh nghiệp lớn với điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao và ổn định hơn.
Vì thế, cạnh tranh nguồn nhân lực giữa nhà máy với các doanh nghiệp này rất khốc liệt, việc giữ chân lao động tại nhà máy đang rất khó khăn. Trong năm 2023 đã có khoảng 20 lao động của nhà máy xin chuyển việc ra ngoài. Không những khó thu hút lao động trẻ vào làm để kế cận, thay thế lao động chuẩn bị nghỉ hưu mà quân số hiện nay của nhà máy đã giảm tới 40% so với thời điểm nhà máy đông quân số nhất…
Anh Vũ Văn Quân, công nhân bậc 6/7, Nhà máy Z173 cho biết, đã gắn bó với Nhà máy Z173 ngót 20 năm và ước mơ lớn nhất của anh là sớm được tuyển chọn làm công nhân, viên chức quốc phòng. Vì thế, dù bên ngoài đang có những lời mời gọi rất hấp dẫn về chế độ đãi ngộ nhưng anh vẫn quyết định gắn bó với nhà máy, chờ một ngày mình sẽ trở thành công nhân, viên chức quốc phòng. Còn những người đã trở thành công nhân, viên chức quốc phòng trong nhà máy lại ước ao và luôn nỗ lực phấn đấu để được tuyển chọn làm quân nhân chuyên nghiệp, được chính thức “đeo sao, đội mũ”.
Trong điều kiện bình thường, cùng một vị trí việc làm nhưng chế độ, chính sách dành cho lao động hợp đồng khác rất nhiều với công nhân, viên chức quốc phòng, càng khác nhiều so với quân nhân chuyên nghiệp, từ đơn giá tiền lương cho tới chế độ về bảo hiểm y tế (bảo hiểm cho bản thân và bảo hiểm cho người thân), bảo hiểm xã hội... Đây là nỗi trăn trở của lãnh đạo, chỉ huy các công ty, nhà máy, cũng là nỗi khắc khoải của hàng vạn công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.
Đề cập vấn đề nêu trên, Đại tá Lý Thanh Minh, Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH một thành viên Cơ khí hóa chất 13 (Nhà máy Z113) cho biết, vì chỉ tiêu tuyển chọn công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp rất ít, mỗi năm chỉ được vài người, nên tiêu chí tuyển chọn rất cao. Nhà máy vừa có đợt tuyển chọn theo định biên bảy đồng chí từ hàng nghìn lao động hợp đồng dài hạn thành công nhân, viên chức quốc phòng.
Do tỷ lệ tuyển chọn rất ít nên ngoài những tiêu chí chung, người lao động của nhà máy muốn được xét, tuyển chọn phải đáp ứng các tiêu chí khác như: Công nhân có trình độ thợ bậc 7, có 10 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua hoặc đạt danh hiệu thợ giỏi toàn quân. Thế nên, có người cống hiến tại nhà máy từ 20-30 năm mới được tuyển chọn trở thành công nhân, viên chức quốc phòng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quốc phòng cũng đều bày tỏ mong muốn có cơ chế đặc thù trong việc chi trả lương, thưởng cho người lao động. Hiện nay, đơn giá tiền lương của thợ bậc 4/7 chỉ có 217 nghìn đồng/ngày công, trong khi cũng lao động ấy ở doanh nghiệp ngoài có thể được trả gấp 3-4 lần.
Hay một kỹ sư mới ra trường dẫu được phong quân hàm trung úy cũng chỉ có mức lương khoảng tám triệu đồng/tháng, trong khi nếu làm việc cho doanh nghiệp bên ngoài, họ có thể nhận mức lương vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Do vậy, nếu không có cơ chế đặc thù về chính sách tiền lương, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng sẽ không thể thu hút và giữ chân người giỏi.
Đầu tư xứng tầm cho công nghiệp quốc phòng, an ninh
Nói về chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ, Đại tá Phan Dương Minh, Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho rằng, đây là khâu quan trọng có tính đột phá để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh độc lập, tự chủ, lưỡng dụng, hiện đại. Theo quy trình hiện nay, thời gian từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất được sản phẩm phải mất từ 8-10 năm; Quy trình mua sắm vật tư đặc chủng trong nghiên cứu khoa học theo Luật Đấu thầu khó triển khai thực hiện, thủ tục thanh toán đề tài phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức...
Trong khi đó, yêu cầu và nhu cầu nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh rất lớn, chi phí phục vụ công tác nghiên cứu khoa học cũng rất lớn. Để triển khai nghiên cứu thành công một đề tài khoa học thiết kế, chế tạo một loại vũ khí mới không chỉ cần nghiên cứu về mặt lý thuyết mà còn phải có thiết kế, chế thử và thử nghiệm. Có những loại vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, khí tài đòi hỏi phải được thử nghiệm trong một không gian rộng...
Do đó cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù trong hoạt động khoa học công nghệ đối với lĩnh vực phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật đặc biệt để khuyến khích nhà khoa học sáng tạo, đột phá về tư duy, cách làm.
Đại tá Nguyễn Phi Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Cơ khí chính xác 29 (Nhà máy Z129) cho biết, hằng năm, nhà máy Z129 vẫn trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và công nghệ, nhưng mỗi năm chỉ được khoảng 15 tỷ đồng. Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của công ty theo chỉ đạo của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng mỗi năm lên tới 40-50 tỷ đồng.
Do nguồn trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ còn rất eo hẹp nên các nhà máy công nghiệp quốc phòng, an ninh cần có cơ chế đầu tư đặc thù để có đủ nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Để có thêm nguồn lực phục vụ nhu cầu của công tác nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho phép doanh nghiệp trích lại lợi nhuận từ sản xuất có ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ để đưa vào tái đầu tư nghiên cứu khoa học, hoàn thiện công nghệ với các sản phẩm vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, khí tài, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.
Nhà nước cần có cơ chế đầu tư xứng đáng từ ngân sách để hỗ trợ phát triển công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh.