Cùng suy ngẫm

Cần chế tài mạnh để bảo vệ nhân viên y tế

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra những vụ việc người bệnh, người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Đây không còn là chuyện mới, đã xảy ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên do chưa được xử lý nghiêm cho nên vẫn tồn tại và đang dần trở thành vấn nạn.
0:00 / 0:00
0:00
Đối tượng hành hung bác sĩ làm việc tại cơ quan công an. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)
Đối tượng hành hung bác sĩ làm việc tại cơ quan công an. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Bệnh viện là nơi y bác sĩ chữa trị cho người bệnh, phải là nơi thực thi pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cao nhất. Tấn công hay hành hung nhân viên y tế khi đang làm việc là hành vi làm mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện; ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và tinh thần, tính mạng của nhân viên y tế.

Ngay sau khi xảy ra các vụ việc nêu trên, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn để bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế. Hàng loạt các biện pháp được kiến nghị triển khai, như hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, trật tự; tập huấn, nâng cao kỹ năng phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, hành hung; xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện... Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tăng cường lực lượng tuần tra tại các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến đông khám bệnh, chữa bệnh; thiết lập, củng cố mạng lưới đường dây nóng của lực lượng cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho các bệnh viện để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp.

Qua phân tích các vụ việc thì một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn hành hung nhân viên y tế vẫn tiếp diễn là việc xử lý còn nhẹ. Chính vì vậy, để ngăn chặn vấn nạn này, ngoài giải pháp về tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự của các bệnh viện thì cần xử lý nghiêm những kẻ hành hung, tấn công cán bộ y tế. Dù bất cứ nguyên nhân nào thì việc hành hung y bác sĩ cũng là hành vi đáng lên án, cần phải bị xử lý nghiêm. Việc xử nghiêm không chỉ bảo vệ nhân viên y tế mà còn là để bảo vệ chính người bệnh, bởi nếu bác sĩ hoảng sợ, bỏ chạy, không tập trung được vào chuyên môn thì bệnh nhân không được chữa trị.

Bên cạnh xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhiều chuyên gia trong ngành đều cho rằng cần phải có chế tài mạnh hơn nữa để ngăn chặn bạo lực. Đó là việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, bổ sung nội dung chống bạo hành cán bộ y tế vào các quy định của các văn bản pháp luật. Cán bộ y tế khi làm việc cần được coi là đang thi hành công vụ và có các chế tài bảo vệ và xử lý kèm theo. Có những giải pháp phù hợp bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng, tinh thần của các cán bộ y tế để họ yên tâm công tác là phương pháp tốt nhất để người bệnh có được sự chăm sóc chu đáo.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc hành hung nhân viên y tế là từ chính nhân viên y tế còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Do vậy, ngành y tế và các bệnh viện cần triển khai giải pháp nâng cao chất lượng trong cấp cứu, khám, điều trị, chăm sóc toàn diện…; xây dựng quy trình xử lý tại các "điểm nóng" có nguy cơ cao va chạm như khoa cấp cứu, phòng mổ, nội soi, xét nghiệm cận lâm sàng… và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Nền y tế tốt, tinh thần phục vụ chu đáo sẽ làm nguội mọi cái đầu nóng mỗi khi vào bệnh viện.