Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi):

Cần bổ sung chính sách khuyến khích góp vốn bằng quyền sử dụng đất

NDO - Theo đại biểu Quốc hội, khuyến khích góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ giúp giải quyết các vấn đề như việc hợp tác xã gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế hợp tác.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sáng 5/4. (Ảnh: DUY LINH)
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sáng 5/4. (Ảnh: DUY LINH)

Khắc phục tình trạng manh mún trong quản lý đất đai

Báo cáo về nội dung tài sản góp vốn trong phiên thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 5/4, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật bổ sung một số quy định mang tính đặc thù đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cụ thể quy định: “Tài sản góp vốn là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác, quyền khác định giá được bằng đồng Việt Nam”.

Việc thành viên góp tài sản bằng quyền sử dụng đất thì thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền quyền sử dụng đất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 75).

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân góp vốn và hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Cần bổ sung chính sách khuyến khích góp vốn bằng quyền sử dụng đất ảnh 1

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ giải quyết các vấn đề như việc các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, khắc phục tình trạng manh mún trong quản lý đất đai, nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế hợp tác, tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Về ý kiến kết nạp thành viên không liên kết góp vốn, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc góp vốn xuất phát từ nhu cầu của hợp tác xã hoặc việc huy động vốn để kết nạp các thành viên góp vốn nhằm huy động vốn không thể hiện bản chất của loại hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vì mục đích đơn thuần thành viên liên kết hợp tác xã là tìm kiếm lợi nhuận. Còn bản chất của hợp tác xã là sự liên kết, tương tác, tương trợ của các cá nhân, tổ chức trong từng sản phẩm, dịch vụ để mang lại hiệu quả kinh tế chung.

Tuy nhiên, nếu quy định vào luật, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị quy định rõ theo hướng: đối với thành viên liên kết phải được sự đồng ý của Hội đồng quản trị hoặc của đại hội thành viên, khi đó mới chấp nhận liên kết.

Tạo “van, khóa” chống trục lợi, thâu tóm hợp tác xã

Báo cáo tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo được quy định theo hướng cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu.

Quy định trên nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp cũng như tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức...

Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các thành viên khác không nhận chuyển nhượng phần vốn góp và thành viên không còn nhu cầu là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì có thể xin ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chấm dứt tư cách thành viên, được trả lại phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ.

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, dự thảo luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Việc thiết kế như trên nhằm tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã”, hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.

Cần bổ sung chính sách khuyến khích góp vốn bằng quyền sử dụng đất ảnh 2

Đại biểu Ma Thị Thúy góp ý kiến vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

“Việc cho phép chuyển nhượng phần góp vốn sẽ làm mất đi bản chất của hợp tác xã, làm các tổ chức kinh tế hoạt động như loại hình công ty cổ phần” đại biểu Thuý nói.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho biết, dự thảo không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho các cá nhân, các tổ chức không phải là thành viên hợp tác xã để tránh việc mua bán cổ phần như đối với doanh nghiệp.

Song quy định vậy chưa thuyết phục, bởi vốn của các thành viên hợp tác xã góp là tài sản và quyền tài sản đối với mỗi cá nhân phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đại biểu đề nghị xem xét nghiên cứu thêm, không nên giới hạn quyền chuyển nhượng, mua bán của các chủ thể đóng góp tài sản hình thành tài sản của tổ chức kinh tế tập thể.

“Đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể lại bị hạn chế mua bán, chuyển nhượng trong một số điều kiện thì rõ ràng là hạn chế quyền tài sản. Như thế thì ai còn muốn đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể nữa?” - đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn.

Cần bổ sung chính sách khuyến khích góp vốn bằng quyền sử dụng đất ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH)

Trước ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ, thực tế có hiện tượng “chui” vào hợp tác xã rồi chuyển nhượng, thâu tóm nên dự thảo chỉ đang cho phép chuyển nhượng giữa nội bộ thành viên hiện hữu, không cho chuyển nhượng ra bên ngoài.

Bên cạnh đó còn khống chế tỷ lệ vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức; tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.

“Chúng tôi cố gắng đưa ra “van, khóa” để chống trục lợi, thâu tóm hợp tác xã” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.