Sáng 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Dự thảo Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-11/2022). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 21, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã trong dự thảo Luật
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Về Liên đoàn Hợp tác xã, ông Thanh nêu rõ, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu chủ trương “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật.
Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên các quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012 đối với hệ thống Liên minh hợp tác xã, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định tăng cường vai trò, quyền của hệ thống Liên minh hợp tác xã từ trung ương đến địa phương với các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động theo đúng chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Nhận thấy ý kiến các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng, việc quy định về hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam tại dự thảo Luật là cần thiết, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung tại Chương X quy định về tổ chức đại diện và hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam, giữ lại một số nội dung quy định về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam tại Luật Hợp tác xã năm 2012.
Đồng thời, bổ sung một số nội dung khác theo chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW như việc khẳng định hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam là nòng cốt trong tổ chức đại diện của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giao thêm các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam đối với tổ hợp tác…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Liên quan nội dung chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu và chỉnh lý quy định tại Điều 78 theo hướng cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp.
Điều này cũng nhằm tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn với mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã; tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các thành viên khác không nhận chuyển nhượng phần vốn góp và thành viên không còn nhu cầu là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì có thể xin ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chấm dứt tư cách thành viên, được trả lại phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ. Dự thảo Luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Về Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Quỹ chung không chia và tài sản chung không chia là một đặc trưng riêng của hợp tác xã so với loại hình kinh tế khác. Quỹ chung không chia là nguồn hình thành và phát triển tài sản chung không chia; Quỹ chung không chia và tài sản chung không chia không được chia cho thành viên trong quá trình hoạt động.
Nhằm bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tạo điều kiện để đưa nguồn vốn từ Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia vào phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả sử dụng vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu và bổ sung quy định tại Điều 86 và Điều 87 về việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được sử dụng Quỹ chung không chia nhàn rỗi để gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng; sử dụng Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia để làm tài sản bảo đảm khi vay vốn và phải bảo toàn vốn, tài sản; trừ các khoản quỹ chung không chia, tài sản chung không chia từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn hỗ trợ của cá nhân, tổ chức có quy định khác.