Cần bảo đảm quyền lợi của người dân khi thực hiện Dự án Khu đô thị Nam Ga Hạ Long

Thời gian qua, nhiều bạn đọc ở phường Hùng Thắng (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) phản ánh việc chính quyền địa phương thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng các quyết định thu hồi, đền bù, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng. Trong khi đó, doanh nghiệp được giao đất để thực hiện dự án nhưng 20 năm nay vẫn chưa triển khai, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như quyền lợi của nhiều hộ dân có đất bị thu hồi…
0:00 / 0:00
0:00
Người dân phản ánh về khu đất bị thu hồi nhưng nhiều năm vẫn bỏ hoang.
Người dân phản ánh về khu đất bị thu hồi nhưng nhiều năm vẫn bỏ hoang.

Người dân chưa đồng thuận

Làm việc với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Vũ Xuân Toản và bà Bùi Thị Lan, đại diện cho các hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu đô thị Nam Ga Hạ Long (Dự án) cho biết: Từ năm 1992, thực hiện chủ trương định cư cho các hộ dân vạn chài và các hộ chưa có đất ở chung quanh vùng đệm vịnh Hạ Long, UBND thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) đã quy hoạch khu dân cư tự xây cạnh Ga Hạ Long và giao cho UBND phường Giếng Đáy (nay là phường Hùng Thắng) ký hợp đồng đổ đất, san lấp mặt bằng. Nhiều hộ dân đã nộp tiền (3 triệu đồng/lô đất) cho UBND phường Giếng Đáy và nhận đất (khu đất hiện thuộc Tổ 16, Khu 4b, phường Hùng Thắng).

Tuy nhiên, kể từ khi nhận đất đến năm 2003, chính quyền địa phương không xây dựng cơ sở hạ tầng khiến cho các hộ dân không thể xây dựng được nhà ở. Từ năm 2006, sau khi hoàn thiện hạ tầng, một số hộ đã chuyển về định cư, đồng thời thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước.

Thế nhưng người dân không được biết, năm 2003, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 1688/QĐ-UBND ngày 30/5/2003 “Phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu đô thị Nam Ga Hạ Long” cho chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Bộ Xây dựng). Đến ngày 26/8/2003, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành Quyết định số 2898/QĐ-UBND “giao đất cho Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng, Bộ Xây dựng”.

Kể từ đó, Dự án nằm “bất động” cho đến tận ngày 19/4/2016 (tức là gần 13 năm sau khi có quyết định chủ trương đầu tư), UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành Quyết định số 1002/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ Dự án. Ngày 15/7/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 2207/QĐ-UBND điều chỉnh ranh giới, diện tích, cơ cấu sử dụng đất và giao đất cho Công ty TNHH MTV LICOGI 2 - Công ty cổ phần để thực hiện Dự án. Thế nhưng, do những vướng mắc trong công tác bồi thường, đền bù, hỗ trợ đối với các hộ dân có đất bị thu hồi, quá thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng (ngày 30/7/2017), chủ đầu tư lại được UBND tỉnh Quảng Ninh gia hạn thêm 1 năm (đến hết ngày 30/7/2018).

Lý do các hộ dân không đồng thuận với các quyết định thu hồi đất để thực hiện Dự án vì cho rằng, cơ quan chức năng chưa đo đạc, xác định diện tích đất tại thực địa; chưa xác định loại đất, chưa lấy ý kiến nhân dân nhưng đã tự ý lập và ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ; không có phương án tái định cư cũng như bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất ở đô thị; chủ đầu tư thực hiện dự án không phải dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nhưng không thỏa thuận với người dân mức giá đền bù, hỗ trợ… Các hộ dân cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không hoàn thiện hạ tầng khiến người dân không thể xây dựng nhà ở; không thể định cư tại đây dẫn đến việc các hộ không đủ điều kiện để được hưởng chính sách tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Còn nhiều vướng mắc cần làm rõ

Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, theo ông Tạ Quốc Hưng, cán bộ thanh tra thành phố Hạ Long, thời điểm năm 1992, khu vực được quy hoạch cho nhân dân định cư chỉ là đầm nước, chưa có mặt bằng. Các hộ dân đã nộp tiền để san lấp nhưng chưa được giao đất do chưa đủ hạ tầng.

Sau này, thành phố mới có quyết định giao đất nhưng diện tích có thay đổi giảm xuống so với ban đầu. Ban Giải phóng mặt bằng căn cứ theo quyết định giao đất để tính toán phương án bồi thường, hỗ trợ dẫn đến các hộ khiếu nại yêu cầu phải tính đúng diện tích ban đầu. Ông Hưng cũng cho biết lý do các hộ dân không được tính toán phương án tái định cư là tại thời điểm đo đạc thực địa, không có hộ nào sinh sống ở đó. Đối với nội dung này, ông Trần Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Hùng Thắng xác nhận: Cả 21 hộ dân ở Tổ 16 đều có hộ khẩu ở nơi khác, không có hộ nào ăn ở lâu dài tại đó nên không đủ điều kiện để hưởng tái định cư.

Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Chiến cũng khẳng định: Đối với các kiến nghị của 21 hộ dân Tổ 16, UBND thành phố đã nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích và trả lời bằng nhiều văn bản khẳng định quy trình giải phóng mặt bằng thành phố làm đúng quy định. Tuy nhiên, các hộ không đồng ý vì cho rằng diện tích được bồi thường ít hơn diện tích được giao và không được giao đất tái định cư.

Cũng phải nói thêm rằng, diện tích đất được giao cho các hộ ít hơn diện tích các hộ mua từ năm 1992 là do khi xây dựng hạ tầng, thành phố Hạ Long đã tính toán mở rộng đường nội bộ và xây dựng một số công trình công cộng. Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành nhiều quyết định giải quyết khiếu nại đối với 21 hộ dân, đều khẳng định các hộ khiếu nại sai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Điệp Văn Chiến, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu đô thị Nam Ga Hạ Long có thời gian triển khai kéo dài do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Diện tích đất thu hồi của các hộ dân Tổ 16 có nguồn gốc khá phức tạp, diện tích thành phố Hạ Long giao cho các hộ không đồng nhất.

Các hộ dân đã khiếu nại đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh do không đồng thuận với các quyết định giải quyết khiếu nại của UBND thành phố Hạ Long. Trước mắt, có thể thấy diện tích đã giao cho các hộ dân là đất ở nằm trong quy hoạch, người dân đã nộp tiền, nhận đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế hằng năm. Khi thu hồi thì chính quyền nơi ra quyết định thu hồi phải có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Hiện, Thanh tra tỉnh đang tích cực kiểm tra, rà soát các nội dung người dân phản ánh cũng như quy trình giải phóng mặt bằng của thành phố Hạ Long trước khi tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết cuối cùng.

Những vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu đô thị Nam Ga Hạ Long phần nào cho thấy, quyền lợi của người dân tại Tổ 16, Khu 4b, phường Hùng Thắng chưa được bảo đảm. Có thể thấy sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng thành phố Hạ Long khi không hoàn thiện cơ sở hạ tầng như quy hoạch để người dân có thể xây dựng nhà ở trên đất đã giao; ban hành các quyết định thu hồi, bồi thường, hỗ trợ… khi thu hồi đất không căn cứ thực tế và đối thoại với người sử dụng đất để thống nhất phương án; bên cạnh đó, cũng cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để dự án “treo” hàng chục năm… làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như lợi ích của người dân ■