Ngăn chặn tai nạn giao thông đường thủy ở Quảng Nam

NDO - Thời gian gần đây, tại Quảng Nam đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy. Riêng hai tháng cuối năm 2011, đã xảy ra hai vụ chìm tàu  tại xã Tam Hải (Núi Thành) và Cửa Ðại (Hội An), làm tám người chết. Tình trạng tàu, thuyền hoạt động nhưng không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, người tham gia giao thông không mặc áo phao... là mối nguy cơ luôn rình rập trên sông nước.

Quảng Nam có địa hình rộng, độ dốc lớn và có nhiều con sông lớn. Những năm trước giải phóng, khi đường bộ chưa phát triển, người dân Quảng Nam đi lại, giao lưu, vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường thủy. Bây giờ, nhờ hệ thống đường sá, cầu cống được đầu tư xây dựng, nâng cấp đã tạo điều kiện thuận  lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển sản xuất và dịch vụ. Dù hệ thống đường bộ phát triển, nhưng hiện nay, tại nhiều vùng quê ở Quảng Nam, người dân vẫn còn gắn bó với những bến đò, bến phà và hằng ngày đi lại trên những con thuyền nhấp nhô trên sông nước, đầy thú vị, nhưng cũng không ít nỗi âu lo. 

Chúng tôi đã có hàng chục lần bước lên những chuyến phà ngang, đò dọc vi vu hàng giờ liền trên sông nước: Khi thì theo các đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát thực địa, trợ cấp lương thực cho đồng bào vùng lũ; lúc cùng bạn bè rong chơi trên các dòng sông: Thu Bồn, Trường Giang... Giờ đây, nghĩ lại cảm thấy giật mình... Và càng thấy lo lắng hơn khi nghe các đồng chí Sở Giao thông vận tải Quảng Nam thông tin: Trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1.250 phương tiện thủy nội địa. Trong đó, có 1.101 phương tiện thuộc diện đăng ký, nhưng hiện tại chỉ có 655 phương tiện được đăng ký. Về công tác đăng kiểm, trước đây, có 1.095 phương tiện thực hiện đăng kiểm, nhưng đến nay đã có đến 836 phương tiện bỏ đăng kiểm...

Trưởng Phòng Vận tải (thuộc Sở Giao thông vận tải) Nguyễn Văn Toàn cho biết: Theo quy hoạch năm 2009, toàn tỉnh có 87 bến nằm ven các con sông: Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang, Tam Kỳ, Hội An... Ðợt kiểm tra mới đây tại 68 bến, đã phát hiện 19 bến không có giấy phép, hai bến có giấy phép nhưng hết hiệu lực. Ðồng thời, phát hiện có bảy phương tiện không đăng ký, đăng kiểm và 10 phương tiện đã hết hạn đăng kiểm. Riêng tại huyện Phước Sơn, sau khi đầu tư xây dựng công trình thủy điện Ðác Mi 4, nhiều tuyến đường dân sinh ở khu vực này bị ngập nước, người dân đã tự lập bến đò và có khoảng 15 phương tiện đang hoạt động, hằng ngày các phương tiện tỏa đi nhiều nơi, có tuyến dài hàng chục km nhưng chỉ có ba phương tiện có đăng ký, đăng kiểm.

Nhiều trường hợp đã lập biên bản đình chỉ nhưng vẫn cứ hoạt động. Chiếc phà QNa 0379, do ông Bùi Văn Thu điều khiển bị chìm vào ngày 21-11-2011 làm chết một phụ nữ đang mang thai tại bến Tam Hải là một thí dụ. Theo ông Lâm, chiếc phà QNa 0379 có công suất máy 33 CV, chỉ được chở đến 30 người, không được chở ô-tô, nhưng khi bị chìm, nó đã chở đến hơn 40 người, cùng 15 chiếc xe máy, năm xe đạp và một ô-tô tải đang chở đầy củi... Trước đó, Thanh tra Giao thông đã nhiều lần lập biên bản, xử lý vi phạm đình chỉ hoạt động phà QNa 0379 vì chở người và ô-tô qua sông; đồng thời đã kiến nghị với UBND xã Tam Hải và các cơ quan chức năng của huyện Núi Thành tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn tình trạng chở người và ô-tô qua sông. Tuy nhiên, những kiến nghị này vẫn không được các cơ quan chức năng ở địa phương quan tâm, xử lý kịp thời, nên đã để xảy ra vụ chìm phà đáng tiếc.

Trước tình hình tai nạn đường thủy tăng đột biến, tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động vận chuyển khách bằng phương tiện đường thủy nội địa. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của  chính quyền các cấp phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các chủ phương tiện và người dân khi tham gia giao thông đường thủy. Ðồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các bến khách ngang sông, các tuyến vận tải khách đường thủy nội địa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và kiên quyết đình chỉ hoạt động các phương tiện không bảo đảm an toàn, người đi đò không được trang bị và mặc áo phao đầy đủ... Trước mắt, trong dịp Tết  Nguyên đán Nhâm Thìn này, nhu cầu đi lại của người dân và du khách ngang qua các dòng sông rất lớn. Do vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ các phương tiện ngay tại các bến để du khách và người dân địa phương đi chơi Tết an toàn, trọn vẹn...