Cameroon triển khai chương trình tiêm vaccine phòng sốt rét định kỳ đầu tiên trên thế giới

NDO - Ngày 22/1, cuộc chiến toàn cầu chống lại bệnh sốt rét đánh dấu một bước tiến mới, khi Cameroon chính thức triển khai chương trình vaccine thường quy đầu tiên trên thế giới phòng sốt rét dành cho trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em được tiêm vaccine phòng sốt rét trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu dự án Walter Reed ở Kombewa, Kenya, ngày 30/10/2009. (Ảnh minh họa: AP)
Trẻ em được tiêm vaccine phòng sốt rét trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu dự án Walter Reed ở Kombewa, Kenya, ngày 30/10/2009. (Ảnh minh họa: AP)

Theo đó, Cameroon sẽ sử dụng loại vaccine đầu tiên trong số 2 loại vaccine sốt rét đã được phê duyệt gần đây, có tên là Mosquirix (RTS,S) do nhà sản xuất dược phẩm GSK của Anh phát triển.

Sau gần 40 năm phát triển và thử nghiệm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt vaccine này 2 năm trước, đánh giá cao tác dụng làm giảm đáng kể các ca nhiễm trùng nặng và nhập viện của vaccine Mosquirix.

Theo đại diện của Chương trình Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), sau các chương trình thử nghiệm thành công, bao gồm cả ở Ghana và Kenya, Cameroon là quốc gia đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng định kỳ. Quốc gia Trung Phi này đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 250 nghìn trẻ em trong năm nay và năm tới.

Chiến dịch được kỳ vọng là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm hạn chế căn bệnh lây lan do muỗi tại châu Phi, vốn chiếm tới 95% số ca tử vong do sốt rét trên toàn thế giới.

19 quốc gia khác cũng đang lên kế hoạch triển khai chương trình tương tự trong năm nay, với kỳ vọng cứu sống hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm trên khắp châu Phi. Theo đó, chương trình tiêm phòng sốt rét giai đoạn 2024-2025 sẽ nhắm đến khoảng 6,6 triệu trẻ em tại các nước này.

Theo WHO, sự gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19, tình trạng kháng thuốc gia tăng và các vấn đề khác đã cản trở cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét trong những năm gần đây, khiến số ca mắc bệnh vào năm 2022 tăng khoảng 5 triệu người so với năm trước đó.

Tại châu Phi, mỗi năm có khoảng 250 triệu ca mắc bệnh sốt rét, trong đó có 600 nghìn ca tử vong, chủ yếu ở trẻ nhỏ, với gần 500 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm tử vong vì sốt rét.

Cameroon triển khai chương trình tiêm vaccine phòng sốt rét định kỳ đầu tiên trên thế giới ảnh 1

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm chủng cho dân làng Migowi ở Malawi, nơi thử nghiệm loại vaccine chống sốt rét đầu tiên trên thế giới cho trẻ nhỏ, ngày 10/12/2019. (Ảnh minh họa: AP)

Hiện có hơn 30 quốc gia tại châu Phi đã bày tỏ sự quan tâm đến việc triển khai chương trình tiêm vaccine phòng sốt rét, trong bối cảnh mối lo ngại về nguồn cung hạn chế đã giảm đi kể từ khi WHO khuyến nghị vaccine thứ 2 phòng sốt rét - có tên R21 - vào tháng 10/2023.

Vaccine Mosquirix do GSK sản xuất chỉ có hiệu quả khoảng 30%, cần 4 liều và khả năng bảo vệ bắt đầu mờ dần sau vài tháng. Đại diện GSK cho biết, hãng chỉ có thể sản xuất khoảng 15 triệu liều Mosquirix mỗi năm.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, loại vaccine sốt rét thứ 2 do Đại học Oxford phát triển có thể là một giải pháp thiết thực hơn, khi có giá thành rẻ hơn, chỉ cần 3 liều và Viện Huyết thanh Ấn Độ cho biết họ có thể sản xuất tới 200 triệu liều mỗi năm.

Giám đốc tiêm chủng của WHO, bà Kate O'Brien cho biết, việc tung ra loại vaccine R21 "dự kiến ​​sẽ bảo đảm nguồn cung vaccine để đáp ứng nhu cầu cao và tiếp cận được hàng triệu trẻ em".

Bà Aurelia Nguyen, Giám đốc Chiến lược GAVI thông tin, vaccine R21 do Đại học Oxford phát triển có thể được tung ra thị trường vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Bên cạnh việc triển khai tiêm chủng rộng rãi, các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét hiện có cùng với vaccine, như sử dụng màn chống muỗi hay phun thuốc diệt côn trùng.