Cam sành Hà Giang rụng kín vườn, người dân điêu đứng

Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay, tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang) xảy ra tình trạng cam rụng hàng loạt khiến người dân có nguy cơ “trắng tay”. Hàng nghìn vườn cam thiệt hại nặng nề, người trồng cam đang đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống và tái đầu tư sản xuất.

Nhiều vườn cam ở Bắc Quang (Hà Giang) bị rụng đến 70% sản lượng cam trên cây.
Nhiều vườn cam ở Bắc Quang (Hà Giang) bị rụng đến 70% sản lượng cam trên cây.

Gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Kim Thượng, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang có vườn cam hơn chín héc-ta. Dự tính, mùa cam năm nay, bà Phượng đạt sản lượng hơn 200 tấn và thu về khoảng 1,6 tỷ đồng. Thế nhưng, từ đầu vụ đến nay, gia đình bà Phượng mới cắt bán hơn 10 tấn, số lượng còn lại dự định để qua Tết Nguyên đán từ một đến hai tháng mới cắt bán để được giá cao. Tuy nhiên, tai họa ập đến, chỉ trong khoảng một tuần, cam rụng đầy trên mặt đất, tỷ lệ quả rụng đến 70% số quả trên cây và vẫn có thể tiếp tục rụng. Nhìn thành quả lao động của cả gia đình trong một năm trờI bị mai một, bà Phượng xót xa: “Thời tiết năm nay bất thường, mồng một Tết đã có mưa đá, sau đó mưa dầm, sương muối liên miên, quả cam tích nước rụng la liệt. Số lượng quả còn lại trên cây chỉ còn khoảng 30%, nhưng với thời tiết cứ mưa rồi lại nắng như thế này có khi còn rụng hết, gia đình tôi coi như mất trắng”.

Vườn cam năm héc-ta của gia đình anh Hà Thế Tài, thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang cũng không khá hơn. Cam rụng ngập vườn, nhiều cây chỉ còn trơ cuống và những quả nhỏ. Khoảng 100 tấn cam rụng khiến chủ vườn mất trắng hơn 800 triệu đồng. Không giấu nổi nỗi thất vọng, anh Tài chia sẻ: “Thế là mất trắng một năm lao động của cả gia đình và khoảng 300 triệu đồng tiền mua vật tư, thuê người chăm sóc. Cam rụng ngập vườn, nếu không xử lý sẽ dẫn đến nấm mốc ngấm vào rễ ảnh hưởng đến vụ sau, cho nên gia đình tôi còn phải thuê hàng chục công lao động thu gom quả rụng, đào hố chôn và dùng vôi xử lý”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến ngày 27-2, tổng sản lượng cam bị rụng khoảng 15 nghìn tấn, tại các vườn cam, tỷ lệ rụng khoảng 35% tổng số cam trên cây, có những vườn cam rụng từ 70 đến 80% số quả. Có tám xã trồng cam ở huyện Bắc Quang thiệt hại lớn nhất với hơn 13 nghìn tấn cam rụng. Ông Giang Đức Hiệp, Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cam rụng hàng loạt là do thời tiết bất thường, mưa kéo dài nhiều ngày, kèm theo sương muối, xen với đó là những ngày nắng to. Việc thay đổi thời tiết đột ngột khiến cây bị sốc nhiệt, quả cam bị sốc nước (nhất là các cây cam có sức đề kháng kém), độ ẩm cao thuận lợi cho nấm thối quả phát triển, dẫn đến quả bị rụng. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, thời điểm rụng quả là cuối vụ, chu kỳ sinh trưởng của cây bắt đầu đâm chồi, nẩy lộc, cho nên cây tự điều chỉnh sinh lý để huy động dinh dưỡng cho chu kỳ mới, dẫn tới rụng quả”.

Ngoài nguyên nhân thời tiết, việc cam rụng cũng do người dân không thực hiện kỹ thuật tỉa quả, để số lượng quá lớn trên cây. Mật độ cây trồng quá dày, chưa thực hiện kỹ thuật cắt tỉa, dẫn đến thiếu ánh sáng, tạo độ ẩm cao, thuận lợi cho nguồn nấm gây rụng quả phát triển mạnh. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cam chậm cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cam rụng. Trong những năm qua, mặc dù tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cam sành nhưng kết quả đạt được chưa cao. Cam sành Hà Giang chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, trong khi đó, bán lẻ ra thị trường thì phải cạnh tranh với nhiều vùng cam nổi tiếng trong nước, do đó, không chỉ sức tiêu thụ chậm mà giá bán cũng giảm hơn so với những năm trước từ bốn đến năm nghìn đồng. Giá bán thấp, sức tiêu thụ chậm cho nên dù quả chín, cam đến kỳ thu hoạch nhưng người dân vẫn giữ trên cây để chờ ra Tết bán giá cao. Năm nay, việc tiêu thụ cam sành còn khó khăn hơn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch dẫn đến việc giao thương xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy ngừng trệ. Nếu như mọi năm, xe chở hàng từ các tỉnh miền nam ra cửa khẩu, khi quay lại sẽ chở cam vào các tỉnh phía nam tiêu thụ. Còn năm nay, hầu như không có xe ra cửa khẩu vận chuyển hàng hóa, dẫn đến sức tiêu thụ cam sành giảm mạnh”.

Ngay sau khi có hiện tượng cam rụng, cơ quan chuyên môn tỉnh Hà Giang đã xuống kiểm tra thực tế, đồng thời hướng dẫn người dân vệ sinh vườn cây. Theo đó, toàn bộ số quả rụng sẽ được thu gom, chôn lấp để tránh lây lan nấm mốc sang số quả còn lại trên cây. Đồng thời, không để cam thối gây nấm mốc, làm chua đất gây ảnh hưởng đến vụ năm sau. Ông Lã Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang cho biết: “Chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền và đưa ra những khuyến cáo cho người dân xử lý cam rụng, không ảnh hưởng đến vụ năm sau. Tạm dừng cung ứng ra thị trường sản phẩm cam sành trong điều kiện thời tiết có mưa, khi thời tiết khô ráo ổn định từ ba đến năm ngày thì mới tiến hành cung ứng để bảo đảm chất lượng khi đưa ra thị trường. Quá trình cung ứng phải được lựa chọn và loại bỏ những quả kém chất lượng, có thể bị thối hỏng sau khi vận chuyển”. Hiện nay, mỗi ngày có từ 200 đến 300 tấn cam được xuất bán. Đồng hành với người dân, các huyện có diện tích cam lớn cũng cử cán bộ xuống tận vườn cam để đánh giá vườn, lấy mẫu sản phẩm, chỉ khi nào sản phẩm bảo đảm chất lượng thì mới cho xuất bán, không để ảnh hưởng đến thương hiệu cam sành Hà Giang.

Các vườn cam bị thiệt hại về năng suất, sản lượng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khôi phục sản xuất vụ tới và những năm tiếp theo. Ngành chức năng tỉnh Hà Giang đề xuất với UBND tỉnh có chính sách giãn nợ cho các hộ gia đình đã được vay vốn đầu tư thâm canh, trồng mới cam, bố trí vốn hỗ trợ lãi suất và đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ vay vốn khôi phục sản xuất. Về lâu dài, tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cam dài vụ. Xác định lại cơ cấu cây cam sành ổn định với diện tích 5.000 ha tại những vùng đã được cấp chỉ dẫn địa lý, các diện tích còn lại khuyến khích chuyển đổi sang cây ăn quả có múi khác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Cần có chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến cam tại tỉnh. Bộ Công thương cũng cần giúp tỉnh Hà Giang trong việc xúc tiến thương mại, chế biến sản phẩm cam sành.

“Cam sành là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người nông dân các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Cam rụng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, các hộ trồng cam khó quay vòng vốn tái đầu tư sản xuất. Do đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các hộ bị thiệt hại. Về lâu dài, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định và nguồn lợi nhuận từ cây cam đem lại”.

HOÀNG QUYẾT THẮNG

Giám đốc HTX cam VietGAP thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang

“Các địa phương cần tuyên truyền cho người dân không nên thu gom cam rụng, bán ra ngoài thị trường, ảnh hưởng đến thương hiệu. Đây là bài học mà các địa phương cần rút kinh nghiệm. Những vụ cam sau cần có giải pháp hợp lý trong việc thu hoạch, tiêu thụ cam sành, tránh tình trạng được mùa mà mất trắng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh cần vào cuộc để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch, triển khai hiệu quả công tác xúc tiến, tiêu thụ cam cho người dân”.

PHẠM QUANG LÂN

Chủ tịch Hiệp hội Cam sành Hà Giang

“Cả nước có khoảng 98 nghìn héc-ta cam, chủ yếu tiêu thụ ở trong nước. Việc tăng diện tích trồng cam trong những năm gần đây dẫn tới hiện tượng cung vượt cầu, giá cam giảm khiến người nông dân không có vốn tái đầu tư chăm sóc, vườn cam sẽ bị suy kiệt. Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh hạn chế diện tích trồng mới từ năm 2018. Tỉnh Hà Giang cần khống chế diện tích cam sành, không để xảy ra phát triển nóng. Những diện tích cam hết thời kỳ phát triển mạnh, nên đổi sang cây trồng mới”.

NGUYỄN QUỐC MẠNH

Trưởng phòng Cây ăn quả, cây công nghiệp,

Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn