Trong một tuyên bố chung được Nhà trắng công bố ngày 3/1, nhóm P5 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng khẳng định "không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân" và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra. Các cường quốc cho rằng, sử dụng hạt nhân sẽ gây hậu quả sâu rộng và vũ khí hạt nhân phải phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và chiến tranh.
Gác lại những căng thẳng hiện tại, các cường quốc khẳng định lại tầm quan trọng của việc giải quyết một cách hòa bình các mối đe dọa hạt nhân, cũng như việc duy trì, tuân thủ các thỏa thuận, cam kết song phương và đa phương về ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.
Năm cường quốc nhấn mạnh mong muốn hợp tác với tất cả các nước nhằm bảo đảm môi trường an ninh thuận lợi hơn cho tiến trình giải trừ quân bị, với mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân. P5 cam kết tiếp tục tìm kiếm các cách tiếp cận ngoại giao song phương và đa phương nhằm tránh xảy ra đối đầu quân sự, cùng nỗ lực tăng cường sự ổn định và khả năng dự báo, nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cùng ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang.
Bình luận về cam kết vừa đưa ra, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, trong điều kiện khó khăn chung của tình hình an ninh quốc tế hiện nay, việc thông qua một tuyên bố chính trị như vậy giúp giảm mức độ căng thẳng quốc tế. Người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh thêm rằng, Nga vẫn coi hội nghị cấp cao giữa các cường quốc hạt nhân trên thế giới là điều cần thiết. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định rằng, tuyên bố chung của P5 giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các cường quốc và giúp "thay thế cạnh tranh bằng sự hợp tác".
Tuyên bố chung hiếm hoi được P5 đưa ra trước thềm một hội nghị dự kiến của Liên hợp quốc nhằm rà soát lại quá trình thực hiện Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), vốn có hiệu lực từ năm 1970. Tuy nhiên, hội nghị này đã bị hoãn do sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm Covid-19 với biến thể Omicron.
Giải quyết mối đe dọa vũ khí hạt nhân được Liên hợp quốc coi là một trong những ưu tiên hành động kể từ khi tổ chức hợp tác quốc tế này được thành lập. Sử dụng vũ khí hạt nhân là trái với luật quốc tế, trong đó có luật nhân đạo, nhân quyền quốc tế. NPT, cũng như các điều ước quốc tế liên quan như Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), Hiệp ước về các khu vực không có vũ khí hạt nhân (NWFZ) cùng nhiều nghị quyết của Liên hợp quốc đã góp phần hình thành khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực quốc tế về chống phổ biến, giải trừ và cấm vũ khí hạt nhân.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng cho biết, mặc dù tổng số vũ khí hạt nhân đã giảm trong nhiều thập niên qua, nhưng vẫn còn khoảng 14.000 vũ khí được dự trữ trên khắp thế giới. Ðánh giá rằng con người phải đối mặt mức rủi ro hạt nhân cao nhất trong gần 4 thập niên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thế giới nỗ lực hơn nữa để loại bỏ vũ khí hạt nhân và bắt đầu một giai đoạn mới của đối thoại, tin cậy và hòa bình.
Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid hoan nghênh tuyên bố chung vừa được nhóm P5 công bố, cho rằng đây là "thông điệp đúng đắn" của các cường quốc đối với thế giới khi vừa bắt đầu năm mới. Dựa trên cam kết đã đưa ra, các nước trên thế giới, nhất là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cần thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế xây dựng niềm tin, tăng cường sự hiểu biết, hợp tác và bảo vệ nhân loại khỏi vũ khí hạt nhân.