Cải tiến chất lượng là nhiệm vụ “sống còn” đối với các bệnh viện

NDO - Cải tiến chất lượng là nhiệm vụ “sống còn” đối với các bệnh viện là chia sẻ của PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tại hội thảo Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế năm 2022 do Cục Quản lý khám, chữa bệnh tổ chức ngày 30/11 tại thành phố Huế.
0:00 / 0:00
0:00
Khám, tư vấn cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Khám, tư vấn cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Đây cũng là dịp để các cán bộ làm công tác quản lý chất lượng tại các cơ sở khám, chữa bệnh chia sẻ kinh nghiệm cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh sau hơn hai năm chống dịch Covid-19.

Theo PGS,TS Lương Ngọc Khuê, thách thức của hệ thống khám, chữa bệnh sau dịch Covid-19 là nhân lực y tế biến động, thiếu thuốc vật tư, trang thiết bị y tế,cơ sở vật chất khó khăn… trong khi nhu cầu người dân khám, chữa bệnh ngày càng tăng và đòi hỏi ngày càng cao.

Bên cạnh đó, mô hình bệnh tật kép vừa kiểm soát, điều trị các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ,… vừa phải quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính….

Những tai biến y khoa hay sai sót chuyên môn không chỉ là vấn đề chuyên môn mà sau đó là cả vấn đề tâm lý, xã hội và chính trị mà các cán bộ làm chất lượng bệnh viện phải đặc biệt lưu ý. Cải tiến chất lượng phải từ những điều nhỏ nhất và thay đổi hằng ngày, phải thấm từ người giám đốc đến người bảo vệ của bệnh viện.

Cải tiến chất lượng là nhiệm vụ “sống còn” đối với các bệnh viện ảnh 1
Quang cảnh hội nghị.

Để cải thiện chất lượng, thời gian tới các cơ quan chức năng, Bộ Y tế cần chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới; ban hành các hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật làm cơ sở cho việc xây dựng giá viện phí; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước; tiếp tục cập nhật, chỉnh sửa, ban hành Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện 3.0; xây dựng và hoàn thiện Đề án đo lường sự hài lòng người dân với dịch vụ y tế công.

Đánh giá, thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế... Xây dựng các phong trào thi đua cải tiến chất lượng, thiết lập các “sân chơi”, diễn đàn chất lượng…

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và sở y tế các địa phương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các các cơ sở khám, chữa bệnh cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh; xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; huy động các nguồn lực để cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh; chủ động lập kế hoạch học tập các mô hình cải tiến chất lượng điển hình của các địa phương khác và nước ngoài; triển khai kiểm tra, đánh giá, giám sát việc cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh…

Đáng chú ý, lãnh đạo các bệnh viện quan tâm vấn đề cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, “sống còn” với sự phát triển bệnh viện.

Trên tinh thần đó, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, văn bản pháp quy về quản lý chất lượng; hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng như: phòng, tổ quản lý chất lượng; nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng; tăng cường đào tạo, tập huấn về quản lý chất lượng; huy động các nguồn lực đầu tư cho cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh… Triển khai đầy đủ, nghiêm túc các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng, làm “thực chất”.

Thực hiện khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế với tinh thần thực sự cầu thị, trân trọng các góp ý và cải tiến chất lượng nhằm nâng cao sự hài lòng người bệnh và nhân viên y tế; gắn kết quả cải tiến chất lượng với quy chế chi tiêu nội bộ…

Tại hội thảo, Bộ Y tế cho biết năm 2023 lần đầu tiên sẽ triển khai việc xét tặng Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện. Các bệnh viện được xét tặng giải thưởng phải đạt kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện; phải triển khai hệ thống báo cáo sự cố y khoa bắt buộc và tự nguyện; không có sai sót chuyên môn dẫn đến tử vong.

Các bệnh viện phải tổ chức thực hiện việc khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và đạt tỷ lệ hài lòng người bệnh, nhân viên y tế từ 85% trở lên...