Chấm dứt xả chất thải chăn nuôi ra suối
Hưng Lộc có thể xem là xã đi đầu trên địa bàn huyện Thống Nhất về nỗ lực, cải thiện môi trường trong chăn nuôi. Số lượng cơ sở chăn nuôi cũng như tổng đàn heo nơi đây đã giảm rất mạnh kể từ khi chính quyền siết chặt công tác bảo vệ môi trường. Ông Phạm Thanh Hùng, Bí thư Chi bộ ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc cho biết: Trước đây, toàn ấp có 25 hộ chăn nuôi heo gia công cho các doanh nghiệp; hiện nay chỉ còn hai hộ, giảm tới 90%. Lý do là người dân không có khả năng đầu tư hạ tầng chuồng trại đáp ứng đúng theo quy định ràng buộc về bảo vệ, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Để liên tục duy trì đàn heo 900 con nuôi gia công cho doanh nghiệp, trước đó, gia đình bà Thù Chẩm Phòng, ấp Nghĩa Hưng, đã mạnh dạn bỏ ra tiền tỷ đầu tư, trang bị hệ thống xử lý môi trường tuân thủ đúng quy định pháp luật. Sau công đoạn xử lý cuối cùng, nước thải chăn nuôi tại đây được tái sử dụng để vệ sinh chuồng trại, giúp tiết kiệm một lượng nước sạch đáng kể mỗi ngày. Bà Phòng chia sẻ: “Nói chung, số tiền chi phí ban đầu mình đầu tư rất lớn, số lượng đầu heo nuôi cũng chỉ được bấy nhiêu đó thôi, nhưng môi trường được cải thiện rất nhiều”. Khẳng định tinh thần cương quyết lập lại trật tự, cải thiện môi trường trong chăn nuôi, ông Nghiêm Văn Hiệu, cán bộ địa chính-nông nghiệp-môi trường xã Hưng Lộc cho biết: “Trước đây, địa phương phổ biến hệ thống xử lý nước thải không bảo đảm. Gần đây, bà con chuyển sang hình thức xử lý bằng hầm biogas, đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn thì mới được vận hành chăn nuôi. Còn những trang trại không đủ điều kiện về môi trường, địa phương đã vận động, yêu cầu ngưng hoạt động”.
Còn tại xã nông thôn mới nâng cao Gia Tân 1, nơi đang tồn tại khá nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong đó tổng đàn heo khoảng 5.500 con với 20 trang trại và 45 hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ. Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hầu hết bà con chăn nuôi đã có ý thức giữ gìn môi trường, trong đó, cán bộ, đảng viên giữ vai trò gương mẫu, đi đầu. Đa số người chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ từ bỏ hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường, nghiêm túc chuyển sang xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống biogas và trực tiếp kiểm nghiệm lợi ích kép về nhiều mặt mang lại trong thực tế đời sống. Bà Nguyễn Hồng Vân, một người nuôi heo lâu năm tại ấp Dốc Mơ 3 chia sẻ: “Lúc đầu cán bộ xã xuống khuyến cáo làm hầm biogas thì tôi cũng có chút đắn đo vì sợ tốn kém. Thế nhưng, thực tế thi công chi phí không nhiều. Nước thải trước kia mình dội lên tưới cây thì chết hết cây. Từ khi làm hầm biogas xử lý phải được 70-80%, nên chăm bón cây cối rất tốt. Hồi chưa làm hầm biogas thì mình không thể đứng đây được vì nó rất là hôi. Tóm lại, bây giờ rất có lợi về trồng trọt và môi trường, tốt cho mình và những người chung quanh”. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gia Tân 1 Nguyễn Hữu Thắng, thời gian qua, hệ thống chính trị cơ sở chủ động kết hợp với Ban hành giáo các giáo xứ tích cực vận động người dân thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý không có trường hợp ngoại lệ.
Toàn huyện Thống Nhất hiện có hơn 1.200 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tất cả đều có biện pháp thu gom xử lý chất thải bằng hầm biogas hoặc hầm lắng lọc không xả tràn ra đất đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi công nghệ cao, hầu như không gây ảnh hưởng đến môi trường tại chỗ. Đối với chất thải rắn phát sinh trong hoạt động chăn nuôi khoảng gần 209.000 tấn/năm, được các cơ sở chăn nuôi thu gom ủ thành phân bón chăm sóc cây trồng hoặc xử lý bằng hầm biogas.
Chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt
Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Thống Nhất, các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đều đã đạt kết quả khả quan trong quá trình duy trì, nâng chất tiêu chí môi trường. Hơn 100 cơ sở chăn nuôi thuộc diện bắt buộc phải có hồ sơ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản cấp huyện, cấp xã, đã được chính quyền theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Theo quy định, những cơ sở chăn nuôi có số lượng dưới 50 đầu heo được giao cho chính quyền xã quản lý, từ 50-900 con sẽ do cấp huyện đảm trách và quy mô đàn lớn hơn thì thuộc thẩm quyền của tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết: Qua các năm 2022, 2023, 2024, huyện đã quyết liệt chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, cương quyết xử lý các trường hợp cơ sở chăn nuôi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường. Chỉ tính riêng trong năm 2023, qua đợt cao điểm thực hiện tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi thuộc thẩm quyền cấp huyện quản lý, chính quyền địa phương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 105 cơ sở chăn nuôi có hành vi vi phạm, với tổng số tiền gần 2,3 tỷ đồng. “Đến nay, môi trường trên địa bàn huyện Thống Nhất được cải thiện rõ rệt. Phải khẳng định hiện nay không còn tình trạng xả thải trực tiếp chăn nuôi ra các con suối. Suối đã trong trở lại, đã có tôm, cua, cá trở lại”, ông Hiền nhấn mạnh.
Ngoài ra, để vừa bảo đảm môi trường gắn với phát triển kinh tế, theo Luật Đất đai năm 2024 phải có quy hoạch đất chăn nuôi tập trung, huyện đã giao các đơn vị liên quan hướng dẫn quy chuẩn về quy hoạch đất chăn nuôi tập trung để cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh của huyện, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm môi trường và hỗ trợ người dân có nhu cầu di dời vào các khu chăn nuôi tập trung ■