Hiệu quả từ vận chuyển nông sản xuất khẩu bằng đường sắt

Sau hơn một năm chính thức đưa vào hoạt động, các đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp từ Ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) xuất khẩu đi Trung Quốc đã góp phần giảm áp lực lên giao thông đường bộ, giảm chi phí vận chuyển. Đáng chú ý, phương thức vận chuyển này ngày càng phát huy hiệu quả và thích ứng cho sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đến Trung Quốc và các nước, tiết giảm nhiều chi phí vận chuyển và thời gian.
0:00 / 0:00
0:00
Dừa tươi được Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) phối hợp Công ty cổ phần FADO IExport xuất khẩu sang Trung Quốc.
Dừa tươi được Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) phối hợp Công ty cổ phần FADO IExport xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tại Ga Liên vận quốc tế Sóng Thần (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) phối hợp Công ty cổ phần FADO IExport vừa tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu đầu tiên vận chuyển dừa tươi xuất khẩu sang Quảng Châu (Trung Quốc). Lô hàng dừa tươi gồm ba container với trọng lượng 67,5 tấn có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang; trị giá hàng hóa khoảng 220.000 nhân dân tệ. Dự kiến, lô hàng được vận chuyển đến nơi với thời gian toàn trình là bảy ngày. Việc vận chuyển dừa tươi sang Trung Quốc bằng đường sắt là một phương thức vận chuyển mới, có ưu điểm là thời gian vận chuyển ổn định, thủ tục hải quan xuất và nhập khẩu vào Trung Quốc nhanh chóng, chi phí logistics giảm hơn so với đường bộ. Ông Phạm Tấn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FADO IExport cho biết: Dừa tươi trồng theo hướng hữu cơ được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn do công ty thu hoạch phần lớn tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; sau đó sơ chế, bảo quản lạnh và hiện đã được xuất khẩu đến nhiều nước như Mỹ, Canada, các nước Trung Đông. Sau chuyến hàng ba container dừa nêu trên, sắp tới có bốn đối tác từ Trung Quốc đặt vấn đề làm việc và ký hợp đồng. Dự kiến, sản lượng doanh nghiệp có thể đáp ứng cho bốn đối tác này khoảng 50 container dừa tươi/tháng. Qua khảo sát, so sánh các phương thức vận chuyển, việc vận chuyển bằng đường sắt liên vận vừa tiết giảm 20% chi phí so với các phương tiện khác, vừa bảo đảm các thủ tục, minh bạch, đúng kế hoạch và đưa hàng vào sâu nội địa Trung Quốc, dễ dàng lan tỏa sang các thị trường thứ ba; đồng thời, vận chuyển dừa tươi xuất khẩu bằng đường sắt giúp bảo đảm chất lượng sản phẩm tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng nước bạn.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Phan Quốc Anh cho rằng: Trước xu thế hội nhập quốc tế, đường sắt Việt Nam đang nỗ lực phát triển hoạt động vận tải hàng hóa liên vận quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường hơn. Với 10 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đang mở rộng cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu ra thị trường quốc tế; trong đó, việc triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng là một trong những nhân tố đẩy mạnh cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới. Đáng chú ý, thị trường tiêu thụ lớn nhất là thị trường Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu cho nhiều loại trái cây của Việt Nam, trong đó có dừa tươi. Với vai trò kết nối khu vực trồng dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long và thị trường Trung Quốc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo các thành viên của mình phải từng bước đáp ứng yêu cầu tốt nhất của khách hàng; tạo điều kiện tốt nhất cho việc vận chuyển dừa tươi từ Ga Liên vận quốc tế Sóng Thần đến Quảng Châu (Trung Quốc) một cách nhanh nhất.

Chia sẻ về phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho rằng: Việc chuyến tàu đầu tiên vận chuyển dừa tươi xuất khẩu từ Ga Liên vận quốc tế Sóng Thần sẽ mở ra một cơ hội mới cho hoạt động xuất, nhập khẩu cho nông sản của tỉnh Tiền Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian qua, các mặt hàng nông sản của Tiền Giang và các tỉnh xuất khẩu chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ và đường thủy. Tận dụng tốt vận chuyển bằng đường sắt sẽ góp phần giảm chi phí rất nhiều cho hàng hóa xuất khẩu; mở ra kênh vận chuyển mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản đến thị trường thế giới một cách hiệu quả, tiết giảm được nhiều chi phí.

Ga Sóng Thần là ga hàng hóa lớn nhất phía nam, là lợi thế giao thông cho tỉnh Bình Dương và khu vực. Việc đưa hoạt động liên vận vào khai thác tại Ga Sóng Thần với các đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc đã đánh dấu bước đột phá trong kế hoạch phát triển, thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển bằng đường sắt; mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương và khu vực đi Trung Quốc và quá cảnh qua nước thứ ba (Nga, Mông Cổ, Trung Á và châu Âu); góp phần giải quyết tình trạng quá tải của vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ; đồng thời, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp.

Ga Sóng Thần còn là nơi tập kết, phân phối hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đi các cửa khẩu biên giới phía bắc, phía nam cho các doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, tạo điều kiện hình thành trung tâm logistics cho tỉnh Bình Dương và vùng Nam Bộ. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo Ga Sóng Thần. Dự kiến, giai đoạn 2025-2030, sau khi hoàn thành các dự án này, năng lực Ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn nhất trong hệ thống các ga đường sắt Việt Nam. Sau khi cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics được hoàn thiện và đáp ứng đủ yêu cầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch khai thác Ga Liên vận quốc tế Sóng Thần để tổ chức các đoàn tàu liên tuyến chạy thẳng từ ga đi Trung Quốc, quá cảnh sang nước thứ ba và ngược lại... ■