Vận dụng sáng tạo bài học “Dân là gốc”

Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn. Có được những thành tựu đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, kiên trì tư tưởng “trọng dân” và vận dụng sáng tạo bài học “Dân là gốc”, “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong huy động sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân ở Khu phố 1, Phường 11, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh luôn giám sát công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Người dân ở Khu phố 1, Phường 11, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh luôn giám sát công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Quan điểm, giải pháp thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới” do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 10, đồng chí Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết: Từ quan điểm “Dân là gốc” trong lịch sử, các kỳ đại hội của Đảng tiếp tục tập trung nhấn mạnh sức mạnh to lớn, nguồn lực vô tận của nhân dân; nhân dân là nền tảng, chỗ dựa vững chắc của hệ thống chính trị, lực lượng rộng lớn trong mọi phong trào cách mạng.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp có tính tổng thể, bao trùm và liên quan trực tiếp đến lợi ích “thụ hưởng” của mọi người dân; đồng thời, nhấn mạnh thêm về trách nhiệm làm chủ của nhân dân, nêu rõ vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân, gắn liền với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Sự lãnh đạo của Đảng phải hướng vào vị trí trung tâm là nhân dân, khơi thông những nguồn lực và sự sáng tạo của nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực của nhân dân. “Điều đó thể hiện tính ưu việt, nổi trội và bản chất tốt đẹp, nhân văn của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Đỗ Văn Phới nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành ủy nhất quán gắn triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị với việc thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân trong tình hình mới. Thành phố tập trung nghiên cứu sâu, kỹ, kết hợp đúc kết thực tiễn khi ban hành Nghị quyết; đồng thời, đề ra các giải pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; ban hành các cơ chế để phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo hướng thiết thực và đi sâu vào từng đối tượng cụ thể. Thành ủy thành phố luôn tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của nhân dân trong bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng. Điển hình như khi thực hiện chính quyền đô thị, Ban Thường vụ Thành ủy đã có quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và trả lời cụ thể bằng văn bản.

Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành Thông tri số 24-TT/TU ngày 19/5/2023 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các cấp cùng với Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị thực hiện giám sát, phản biện xã hội trực tiếp đối với các công trình, dự án có tác động, ảnh hưởng lớn đến các mặt đời sống của nhân dân trên địa bàn thành phố; tổ chức lấy ý kiến phản biện hoặc góp ý đối với các dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương có ảnh hưởng đến đời sinh hoạt của nhân dân.

Đối với tỉnh Đồng Nai, đồng chí Cao Tiến Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Địa phương đã cụ thể hóa tư tưởng về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta vào việc vận động nhân dân đồng thuận tham gia cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành. Một trong những nội dung trọng tâm là thực hiện giải phóng mặt bằng và sắp xếp tái định cư cho người dân. Tỉnh xác định đây là những công việc không hề đơn giản bởi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành có diện tích thu hồi hơn 5.300 ha. Trong đó, diện tích đất để xây dựng sân bay khoảng 5.000 ha và đất xây dựng hai khu tái định cư bố trí tái định cư cho người dân vùng dự án hơn 360 ha.

Để nhận được sự đồng thuận của người dân, Tỉnh ủy Đồng Nai đã công bố các quyết định của Trung ương, của tỉnh; lãnh đạo tỉnh đã xuống khu phố trao đổi thông tin trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Tỉnh cũng xây dựng bộ câu hỏi đưa xuống từng hộ dân, sau đó giao các cơ quan, sở, ngành liên quan trả lời từng nội dung và tập hợp lại thành cuốn sách để người dân biết nội dung mình quan tâm sẽ được giải quyết như thế nào. Nhờ vậy, tỉnh đã nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, việc đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện giai đoạn 1 của sân bay quốc tế Long Thành đúng thời hạn theo yêu cầu.

Tại tỉnh Tây Ninh, nhiều năm qua tỉnh luôn thực hiện tốt công tác dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Hằng năm, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đều tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội với nhân dân. Thông qua hội nghị này, người dân trực tiếp đặt câu hỏi về các vấn đề quan tâm và được trả lời trực tiếp trên tinh thần cầu thị, thẳng thắn, lắng nghe và tiếp thu ý kiến, đề xuất, thắc mắc. Những vấn đề người dân phản ánh, kiến nghị đều được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền làm rõ, trả lời cụ thể. Đối với những vấn đề cần có thời gian xác minh đều chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm rõ, giải quyết, kịp thời đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới. Chính vì thế, việc tiếp tục đổi mới, vận dụng có hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn hết sức cấp thiết. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đảng và hệ thống chính trị sẽ phát huy hơn nữa vai trò, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương; qua đó, đưa đất nước tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu mới ■