Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh

NDO -

NDĐT - Sáng 18-5, tại cầu đường sắt Rồng Lớn (lý trình Km 641+700, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh) qua xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt, Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3 - Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa đã ra quân thi công gói thầu XL-CY-06.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và các đại biểu phát lệnh ra quân thi công gói thầu xây lắp số XL-CY-06.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và các đại biểu phát lệnh ra quân thi công gói thầu xây lắp số XL-CY-06.

Đây là là gói thầu xây lắp thứ hai thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Dự án cầu yếu) nằm trong các Dự án đường sắt quan trọng, cấp bách, sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31-7-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Bộ GTVT, Ban QLDA Đường sắt tổ chức ra quân xây dựng trong vòng hơn một tuần qua. Trước đó, ngày 8-5, gói thầu XL-CY-01 thuộc Dự án cũng đã được ra quân tổ chức thi công tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông biểu dương Chủ đầu tư, các cơ quan tham mưu của Bộ, các đơn vị tư vấn và nhà thầu, trong thời gian ngắn đã cố gắng hoàn tất công tác chuẩn bị để dự án được khởi động hôm nay và cho biết: Đây là dự án có mục tiêu từng bước thay thế các cầu yếu; đồng nhất tải trọng khai thác 4,2T/m trên toàn tuyến nhằm bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao sản lượng và năng lực vận tải đường sắt; góp phần cải tạo hệ thống hạ tầng của ngành đường sắt, nâng cao tốc độ chạy tàu trên tuyến đường sắt bắc - nam và bảo đảm an toàn chạy tầu nói chung. Đồng thời, các dự án này còn tập trung xây dựng một số trụ chống va xô nhằm hạn chế thấp nhất những tổn thất về người và tài sản do va chạm của các phương tiện vận tải đường thủy nội địa đối với các công trình cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Đối với gói thầu số XL-CY-06 cải tạo 15 cầu thuộc Dự án 129 cầu là gói thứ hai khởi động trong hơn 30 gói thầu xây lắp của bốn dự án. Trong đó, xây dựng mới kết hợp cải tạo kiến trúc tầng trên đường hai đầu cầu của 111 cầu; xây dựng trụ chống va xô bốn cầu; sửa chữa, nâng cấp 14 cầu với tổng mức đầu tư 1.949 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019 đến 2021. Đồng thời, các dự án này còn tập trung xây dựng một số trụ chống va xô nhằm hạn chế thấp nhất những tổn thất về người và tài sản do va chạm của các phương tiện vận tải đường thủy nội địa đối với các công trình cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, mặc dù có quy mô vốn đầu tư không lớn nhưng việc triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn đối với đơn vị QLDA và nhà thầu do các dự án trải dài trên toàn tuyến đường sắt Thống Nhất với chiều dài hơn 1.000 km, lại vừa phải thi công, vừa phải bảo đảm an toàn chạy tàu, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với quá trình vận hành khai thác tuyến đường sắt Thống Nhất. Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung giải ngân đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có ngành GTVT. Thực hiện yêu cầu nói trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, cụ thể và yêu cầu Chủ đầu tư phải thúc đẩy sớm quá trình triển khai thi công xây lắp đáp ứng cả mục tiêu khôi phục sản xuất kinh doanh, tập trung giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, việc khởi động thực hiện các dự án đường sắt quan trọng cấp bách trong giai đoạn này là một trong những tín hiệu tích cực của Bộ GTVT nói chung, Ban QLDA Đường sắt nói riêng, nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng là vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Trong thời gian tới, để có thể tiếp tục triển khai thuận lợi các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, Bộ GTVT rất mong được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ các Chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thi công. Thứ trưởng đã yêu cầu Chủ đầu tư và Nhà thầu phải thực hiện bảo đảm chất lượng, hoàn thành đúng và vượt tiến độ, làm hình mẫu nhân rộng trong chỉ đạo điều hành của hơn 30 gói thầu triển khai sau.

Ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, trong thời gian vừa qua, Chủ đầu tư đã thường xuyên nhận được sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan trong việc sớm thẩm định, phê duyệt Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp Chủ đầu tư để xây dựng phương án tổ chức thi công, không gây gián đoạn, mất an toàn chạy tàu trên tuyến đường sắt quốc gia.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khẩn trương khởi công đồng loạt các gói thầu xây lắp còn lại, đồng thời yêu cầu các Nhà thầu tư vấn giám sát, Nhà thầu xây lắp sớm huy động máy móc, thiết bị và nhân lực để bắt tay vào thi công ngay. Chúng tôi sẽ bám sát công trường kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn phát sinh trên công trường để Dự án được thi công đúng tiến độ, chất lượng; giải ngân vốn đầu tư sát kế hoạch và bảo đảm an toàn lao động, an toàn chạy tàu như tinh thần tại Nghị quyết số 556 cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Phương nói.

Theo ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục QLXD và chất lượng công trình giao thông cho biết: “Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành chặt chẽ với Ban QLDA Đường sắt để đưa cả bốn dự án về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động và nhất là bảo đảm an toàn chạy tàu trên tuyến đường sắt Thống Nhất huyết mạch”.