Hỏi ra mới biết, Văn quyết định hạn chế vào mạng xã hội và trang thông tin cá nhân vì nhận thấy hơn hai năm qua đã mất quá nhiều thời gian cho việc "lướt" mạng. Văn kể: Tôi thấy mình "nghiện" nặng rồi. Gần như lúc nào cũng online.
Hằng ngày, dành quá nhiều thời gian cho việc đăng bài, ảnh của mình và trả lời thông tin bạn bè trên mạng. Càng hăng say vào mạng xã hội thì càng có nhiều bạn, dù là bạn chưa gặp nhau ngoài đời nhưng vì liên tục kết bạn cho nên càng ngày càng phải dành nhiều thời gian trao đổi. Có hôm, vì mải mê trao đổi ý kiến về những chuyện "vô thưởng, vô phạt" mà quên cả giờ họp cơ quan. Có lúc, đang đi đường cũng dừng lại để viết ý kiến của mình lên trang cá nhân... Sáng sớm, vừa ăn sáng vừa vào đọc bài viết của bạn bè; buổi trưa thì không nghỉ để bình luận; đêm thì có hôm thức đến hai giờ sáng để trò chuyện.
- Bây giờ cậu quyết định thế nào? Tôi hỏi.
- Sẽ "cai" dần. Mình đã gỡ bỏ phần cài đặt mạng xã hội ra khỏi điện thoại di động và tự quy định là chỉ vào xem thông tin bạn bè vào cuối giờ làm việc buổi chiều trên máy tính bàn. Chắc là sẽ phải cố gắng nhiều để có thể từ bỏ một thói quen, một niềm hăng say đã có từ hơn hai năm nay. Văn nói.
Tôi không biết quyết tâm của người bạn thân có thành công hay không nhưng đúng là Văn rất hứng thú "lướt" mạng. Trang thông tin cá nhân của Văn có tới gần 1.000 người bạn ở khắp mọi miền đất nước và nước ngoài. Có những hình ảnh, bài viết của Văn thu hút sự tham gia trao đổi ý kiến của hơn 100 người, với gần 500 ý kiến. Và điều đó càng làm cho bạn tôi say mê với mạng xã hội.
Sự phát triển của các mạng xã hội đã góp phần quan trọng đưa mọi người gần gũi với nhau hơn trong cuộc sống hằng ngày. Có nhiều hoàn cảnh khó khăn đang cần trợ giúp khẩn cấp khi được thông tin đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, cụ thể của đông đảo thành viên. Và từ hoạt động được nhiều người coi là "ảo" đã đưa đến những tình cảm rất thật và đáng trân trọng. Cũng từ mạng xã hội mà mọi người, nhất là tuổi trẻ có thể quen biết nhau nhiều hơn, mở rộng các quan hệ xã hội, tiếp thu thông tin đa chiều...
Đã có những bạn trẻ, người dân có lòng hảo tâm lập nên những nhóm hoạt động từ thiện, tìm kiếm nguồn lực để giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh, những bệnh nhi nghèo... Mạng xã hội đang đem lại một số yếu tố tích cực, nhân văn trong cuộc sống.
Thế nhưng, đến với mạng xã hội như Lê Văn thì đúng là cần được xem xét và điều chỉnh. Rất may là bạn tôi đã nhận ra được điều đó và quyết định từng bước hạn chế những hoạt động không cần thiết. Đó là sự điều chỉnh quan trọng để không quá sa đà vào những công việc ảo, qua đó tập trung hơn những việc cần thiết và có ý nghĩa của cuộc sống hằng ngày. Tôi ủng hộ quyết định của Văn, đồng thời cũng lấy đó là bài học cho bản thân mình trong việc tham gia các trang mạng xã hội và sử dụng trang thông tin cá nhân.
TUẤN ANH (Đại học Quốc gia Hà Nội)