Cách làm ở một đảng bộ tiêu biểu của Thủ đô

Phát huy vai trò của cán bộ chủ chốt trong việc chủ động lựa chọn và tìm cách giải quyết dứt điểm những việc khó trên địa bàn, lĩnh vực công tác bằng kết quả cụ thể, cách làm này giúp quận Tây Hồ đạt được nhiều chuyển biến rõ nét, đồng thời xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để hướng đến những mục tiêu mới.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.
Cán bộ bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Dự án cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư chung quanh mương thoát nước Thụy Khuê được triển khai từ năm 2012, nhưng hơn 10 năm sau vẫn chưa thể hoàn thành bởi vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Hết năm 2022, vẫn còn 44 hộ dân ở phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) chưa đồng thuận. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, gây bức xúc dư luận.

Xác định đây là nhiệm vụ khó nhưng phải hoàn thành trong năm 2023, Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê Lê Văn Thủy cùng với các đơn vị chức năng của phường đã đảm nhận thực hiện nhiệm vụ này với cam kết cơ bản giải quyết dứt điểm những việc còn tồn đọng.

Ngay từ đầu năm, kế hoạch giải phóng mặt bằng khu vực này được xây dựng với những nhiệm vụ cụ thể từ người đứng đầu ủy ban nhân dân đến các ban, ngành, đoàn thể.

Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị kết hợp với các biện pháp hành chính khác. “Ngay cả khi cơ quan chức năng có thông báo cưỡng chế với những hộ dân không chấp hành, chúng tôi vẫn kiên trì đến từng nhà để thuyết phục người dân chấp hành”, đồng chí Lê Văn Thủy cho biết. Sự kiên trì, quyết liệt này đã đem lại kết quả tích cực. Đến nay còn tám hộ đã cam kết sau khi có quỹ nhà tái định cư cũng sẽ đồng thuận bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Một việc khó khác kéo dài gần 20 năm nay ở số 18 phố Tam Đa cũng được phường giải quyết dứt điểm trong năm 2023. Ủy ban nhân dân phường Thụy Khuê đã vận động, thu hồi thành công diện tích 120 m2 ở địa chỉ trên để triển khai xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng của Tổ dân phố số 9 và 11, sẽ hoàn thành vào giữa năm 2024, được người dân đánh giá cao.

Với cách làm như phường Thụy Khuê, một nhiệm vụ rất khó tại phường Phú Thượng là giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 3 với diện tích 104 ha cũng đã được hoàn thành. Dự án được triển khai từ đầu những năm 2000, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, cho nên sau nhiều năm mới chỉ đạt được khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 30%.

Bí thư Đảng ủy phường Phú Thượng Phạm Xuân Đức đã mạnh dạn đăng ký thực hiện chỉ đạo giải quyết công tác giải phóng mặt bằng dự án này trong năm 2023. “Khi mới triển khai, không ít ý kiến lo ngại khó khăn, vì nhiệm vụ này đã kéo dài quá nhiều năm. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được”, lãnh đạo Đảng ủy phường nói.

Bên cạnh việc xử lý, trả lời kịp thời các khiếu nại và tổ chức hàng chục buổi đối thoại chính thức, Thường trực Đảng ủy phường cùng các tổ công tác đến nhà của từng hộ dân để tuyên truyền, vận động. Dù có người không hợp tác, thậm chí còn dùng lời lẽ khó nghe, nhưng tất cả đều rất kiên trì. Kết quả là đến tháng 11/2023, nhiệm vụ này đã hoàn thành, thu hồi toàn bộ phần diện tích bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Ðiểm nhấn trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban Chấp hành Ðảng bộ quận Tây Hồ chính là việc cán bộ chủ chốt, đảng viên chủ động lựa chọn việc khó để thực hiện. Từ năm 2022, sau khi triển khai “thí điểm” từ Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy, với tinh thần người đứng đầu phải thực hiện trách nhiệm nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới-sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám chịu trách nhiệm, 33 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ quận và các đồng chí trưởng các tổ chức chính trị-xã hội quận đã đăng ký đảm nhận giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, phức tạp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao.

Mặt trận Tổ quốc là cơ quan giám sát và đến cuối năm kiểm điểm cụ thể chất lượng công việc. Nhờ đó đến nay, một số nhiệm vụ khó, theo chỉ đạo của thành phố đã được triển khai thực hiện quyết liệt như: Di dời các phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại khu vực đầm Bảy ra khỏi hồ Tây; công tác giải phóng mặt bằng các dự án: Nam Thăng Long, Tây Hồ Tây, mương thoát nước Thụy Khuê... được thực hiện có hiệu quả.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho rằng, những việc khó này vừa giúp giải quyết nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc, vừa giúp nâng cao năng lực cán bộ, từ đó thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế quận tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế do quận quản lý bình quân hằng năm đều tăng.

Năm 2023 tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế do quận quản lý tăng 14,6%; tổng thu ngân sách đạt 119% kế hoạch; 21/21 chỉ tiêu, nhiệm vụ đều hoàn thành, sáu chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Quận cũng quan tâm, đầu tư 56 dự án phát triển công nghiệp văn hóa với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; có nhiều mô hình mới phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được chăm lo thường xuyên, với 27/27 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đứng trong tốp đầu thành phố. Trên địa bàn quận không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố.

Từ những kết quả đạt được, Đảng bộ quận Tây Hồ sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác xây dựng Đảng; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố. Quận cũng sẽ nỗ lực tập trung hoàn thiện đề án phát huy những tiềm năng, giá trị của quận Tây Hồ và vùng phụ cận, xây dựng địa bàn trở thành trung tâm văn hóa-dịch vụ du lịch của Thủ đô.