Theo đó, các đơn vị nêu trên phải tập trung chỉ đạo việc tuần tra canh gác đê theo cấp báo động để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu; kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu; các công trình đang thi công để triển khai phương án bảo vệ, bảo đảm an toàn; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ và tình hình đê điều; báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo. Chính quyền, các lực lượng chức năng cần có phương án chủ động sơ tán người và tài sản đối với khu dân cư ngoài bãi sông, vùng ngập lũ thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để bảo đảm an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.
* Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, mưa lớn kéo dài khiến các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Kỳ Sơn, Con Cuông… bị ngập sâu, nhất là những nơi nằm dọc sông, suối, ở vùng thấp trũng, ngoài đê. Cùng với đó, nhiều hộ gia đình ở dưới chân đồi núi cũng bị đe dọa nguy cơ sạt lở. Trong tối 29 và sáng 30-10, lực lượng chức năng đã di dời hàng nghìn hộ dân đến nơi an toàn. Tại TP Vinh, nhiều tuyến đường bị ngập từ 30 - 50 cm khiến việc đi lại gặp khó khăn. Riêng tại các phường Bến Thủy, Hồng Sơn bị ngập sâu, cá biệt ở khối 13, 15 phường Bến Thủy ngập từ 1,5 - 1,8 m. Lực lượng cứu hộ đã đưa 200 hộ dân đến nơi sơ tán an toàn. Mưa lũ còn làm tuyến quốc lộ 46 đi qua đoạn núi Nguộc (Thanh Chương) bị sạt lở nhiều điểm. Các địa phương đã tổ chức cắm biển báo nguy hiểm và canh gác 24/24 giờ, ngăn cấm người và phương tiện qua lại.
* Ngày 30-10, Tỉnh ủy Nghệ An có công điện khẩn về việc ứng phó với thiên tai đang diễn ra trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9. Theo đó, Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu các đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp trong tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với mưa lớn và lũ lụt trên địa bàn tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ. Trước mắt tập trung ứng cứu nhân dân nơi đang bị ngập và bị cô lập, chia cắt; tổ chức di dời, sơ tán dân nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Triển khai biện pháp cảnh báo ở các điểm giao thông bị ngập lũ, bố trí lực lượng ứng trực, kiên quyết không để người và các phương tiện lưu thông qua địa điểm nguy hiểm…
* UBND xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 30-10, một trận lốc xoáy đã tràn qua thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, làm tốc mái hàng chục ngôi nhà, trong đó một số nhà bị tốc mái hoàn toàn. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng phối hợp các đơn vị công an, dân quân tự vệ cùng nhân dân tổ chức giúp đỡ các gia đình khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do mưa lớn kèm theo gió to cho nên công tác khắc phục hậu quả cơn lốc gặp nhiều khó khăn.
* Hoàn lưu bão số 9 đã gây ngập lụt gần 4.000 hộ dân tại 51 xã của tám huyện ở Hà Tĩnh. Một số hộ dân ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên), Xuân Lĩnh (Nghi Xuân), Nam Điền (Thạch Hà), Đức Dũng (Đức Thọ) bị ngập sâu trong nước từ 0,5 m - 1,2 m. Mưa lớn cũng gây ngập lụt một số đoạn trên quốc lộ 1A, 8A, 8C và các tuyến đường tỉnh lộ, giao thông nông thôn trên địa bàn; một số công trình kè chống sạt lở, hồ thủy lợi, tràn xả lũ… bị hư hại. Mưa lớn còn làm ngập 391 ha nuôi trồng thủy sản, 197 ha rau màu ngắn ngày, 300 ha ngô đông. Tính đến chiều 30-10, các địa phương ở Hà Tĩnh đã di dời hơn 1.000 hộ dân với 3.497 người tại 66 xã trên địa bàn ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất. Cùng với đó, hơn 13 nghìn học sinh ở 295 trường học trên địa bàn cũng được nghỉ học để bảo đảm an toàn trước diễn biến phức tạp của mưa lũ.
* Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, cho nên sáng nay (31-10), ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 80 - 180 mm; riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi hơn 300 mm. Ở các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa rất to với lượng mưa từ 150 - 300 mm, có nơi hơn 400 mm. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Từ hôm nay đến ngày 1-11, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên có khả năng lên lại; đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông hơn báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên. Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên, nhất là tại các địa phương: Nghệ An (huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, TP Vinh); Hà Tĩnh (huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh); Quảng Bình (huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, TP Đồng Hới, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn); Quảng Trị (huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị); Thừa Thiên Huế (huyện Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, TP Huế, thị xã Hương Trà); Quảng Nam (huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An); Quảng Ngãi (huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Trà Bồng, Bình Sơn, TP Quảng Ngãi). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất: cấp 2.
* Tại cuộc họp về ứng phó với hoàn lưu sau bão số 9 vào sáng 30-10 tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1503/CĐ-TTg ngày 29-10 và của Ban Chỉ đạo T.Ư và Phòng chống thiên tai số 32/CĐ-TW ngày 28-10. Đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương tìm người còn mất tích do sạt lở đất tại tỉnh Quảng Nam và trên hai tàu cá của tỉnh Bình Định bị chìm ngày 27-10. Tổ chức cứu chữa người bị thương và thăm hỏi, hỗ trợ, động viên những gia đình có người chết. Các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại của bão lũ phải chủ động rà soát các hộ dân bị thiệt hại, nhất là các hộ có nhà bị sập, bị ngập sâu, kịp thời hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, kiên quyết không để người nào bị đói, rét, bị thương không được chữa trị…
Chương trình nghệ thuật thiện nguyện Thương về miền trung
Tối 30-10, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật thiện nguyện “Thương về miền trung”. Đến dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể.
Chương trình nghệ thuật Thương về miền trung có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như NSND Hồng Ngát; các NSƯT: Đức Long, Việt Hoàn, Đăng Dương, Mai Hoa, Minh Thu, Diệu Hương, Hoàng Tùng, Cẩm Tú...; vũ đoàn Dòng thời gian, nhóm Angel Kids. Các nghệ sĩ đã thể hiện hơn 20 tác phẩm âm nhạc, thơ ca miền trung; nói lên tiếng lòng của nhân dân cả nước hướng về mảnh đất đầy yêu thương; góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát và cổ vũ tinh thần đồng bào ta vươn lên, vượt qua gian khó.
Chương trình đã huy động được khoảng 12,5 tỷ đồng gồm tiền mặt, hiện vật và cam kết ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân. Toàn bộ số tiền và hiện vật sẽ được Đài Tiếng nói Việt Nam trao tặng đồng bào miền trung trong thời gian sớm nhất.
* Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết, 13 giờ ngày 30-10, sau khi nước lũ trên sông Nước Mét, đoạn có cầu bê-tông (đã bị lũ cuốn trôi) bắc ngang qua thủy điện Đăk Mi 2 hạ dần, khoảng 70 công nhân của thủy điện Đăk Mi 2 đã sử dụng dây cáp làm ròng rọc và tự thoát ra khỏi khu vực cô lập. Do vị trí các khu vực thủy điện Đăk Mi 2 bị sạt lở nặng cho nên nhiều công nhân chưa đến được trung tâm nhà máy để thoát ra ngoài. Trước đó, bão số 9 đã làm sạt lở núi và đánh sập cầu bê-tông bắc qua thủy điện Đăk Mi 2 khiến 217 công nhân bị cô lập hoàn toàn. Hiện tại các lực lượng chức năng đang tích cực điều chỉnh phương án để tiếp cận hiện trường trong thời gian sớm nhất.
* Tại TP Đà Nẵng, hiện các hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia đang xả lũ, kết hợp với mưa trở lại gây ngập sâu một số khu vực tại huyện Hòa Vang. Đến chiều 30-10, vẫn còn 11 thôn ở các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong bị ngập nước, trong đó, xã Hòa Tiến có 141 nhà bị ngập... Huyện Hòa Vang đã kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn, đồng thời tổ chức kiểm tra các vùng đồi núi, nhất là các điểm có nguy cơ sạt lở, có phương án cảnh báo, khắc phục và di dời ngay người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
* Ngày 30-10, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, huy động lực lượng tại chỗ giúp dân sửa chữa nhà ở, sớm ổn định đời sống. Chủ động huy động lực lượng, phương tiện dỡ dọn cây cối ngã đổ, chướng ngại vật, khẩn trương giải tỏa ách tắc, bảo đảm giao thông thông suốt trên tất cả các tuyến đường; sử dụng nguồn kinh phí, lương thực, thực phẩm, nước uống và thuốc men tại chỗ để cứu trợ cho nhân dân, không để một người dân nào thiếu đói. Đối với hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 9, tỉnh thống nhất hỗ trợ cho các hộ dân có nhà bị sụp đổ hoàn toàn là 100% mức hỗ trợ theo quy định của tỉnh. UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Ngãi huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hệ thống điện trên địa bàn tỉnh, chậm nhất đến hết ngày 1-11 phải cơ bản hoàn thành và cấp điện cho nhân dân.
* Tại Quảng Ngãi, ngày 30-10, UBND huyện miền núi Sơn Tây huy động hơn 60 cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội cùng các lực lượng ở xã Sơn Bua tổ chức di dời tài sản và sơ tán 15 hộ dân với gần 80 nhân khẩu ở thôn Mang Rin (xã Sơn Bua), nằm trong vùng nguy cơ bị lũ quét, sạt lở núi đến nơi ở an toàn. Tại huyện miền núi Tây Trà, tuyến đường tỉnh lộ 622B từ Trà Bồng đi Trà Phong có rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng với khối lượng lớn đất, đá đổ xuống đường khiến các xã khu tây của huyện gồm: Trà Phong, Trà Tây, Sơn Trà, Trà Thanh, Trà Xinh bị cô lập hoàn toàn. Bên cạnh đó, sau ba ngày bị cô lập do bão số 9, sáng 30-10, tuyến giao thông đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn đã hoạt động trở lại. Nhiều chuyến tàu chở hàng hóa, vận chuyển hành khách đã được lệnh xuất bến ra, vào đảo Lý Sơn.
* Để khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra, UBND thành phố Đà Nẵng đã huy động hàng trăm xe tải, xe múc, xe xúc lật phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành dọn vệ sinh môi trường sau bão. Đến chiều tối 30-10, các tuyến phố chính đã cơ bản hoàn thành tổng dọn vệ sinh môi trường. Đối với 21 gia đình có nhà bị tốc mái hoàn toàn, 69 nhà bị tốc mái một phần, một nhà bị sập, hai nhà bị hư hỏng… các địa phương nhanh chóng hỗ trợ người dân dựng nhà tạm, lợp lại mái, sửa chữa hư hỏng để sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục phòng tránh mưa bão trong thời gian tới. Thành phố ưu tiên hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà cửa cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách kịp thời…
* Ngày 30-10, UBND tỉnh Kon Tum ban hành công văn về việc tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm cơ quan đầu mối phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Quân khu 5, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ các địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố, những khu vực xung yếu; đánh giá, nhận định, dự báo đúng diễn biến, tình hình để phối hợp triển khai các biện pháp kiên quyết, kịp thời sơ tán, di dời bộ đội, nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, triển khai biện pháp cưỡng chế đối với những cá nhân, hộ gia đình không chấp hành lệnh sơ tán, di dời, không để xảy ra sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân…
* Tổng Công ty Điện lực miền nam (EVNSPC) đã cử gần 100 cán bộ, công nhân từ các Công ty Điện lực Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng để hỗ trợ Tổng công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) khắc phục các sự cố điện do bão số 9, nhất là tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề là Quảng Nam và Quảng Ngãi. Theo báo cáo nhanh của EVN, đến sáng 30-10, số khách hàng bị mất điện của EVNCPC còn khoảng 15,4%; trong đó, số khách hàng bị mất điện của Công ty Điện lực Quảng Nam chiếm 69,4%; Quảng Ngãi 73,5%; Bình Định 11,6%; Đà Nẵng 4%...
* Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, sau 54 giờ buộc phải đóng cửa do bão số 9, lúc 7 giờ 30-10, sân bay Chu Lai đã hoạt động trở lại bảo đảm an toàn, sớm hơn 9 tiếng so dự kiến (16 giờ cùng ngày). Sân bay Chu Lai bị gió lớn làm tốc mái tôn phía bắc nhà ga, ảnh hưởng nghiêm trọng các trang thiết bị bên trong nhà ga. Một số trạm điện khu vực nhà làm việc văn phòng, bảng chỉ dẫn giao thông phía trước cảng, các bảng chỉ dẫn cho hành khách khu vực công cộng bị vỡ, cây cối khu vực phía trước nhà ga bị gãy đổ.
PV và CTV
Cứu được ba ngư dân trong 26 ngư dân mất tích trên biển
6 giờ ngày 30-10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, lúc 21 giờ 26 phút ngày 29-10, một tàu nước ngoài đã phát hiện và cứu vớt ba người trôi dạt trên biển là thuyền viên tàu BĐ 97469 TS (tàu mất tích có 14 ngư dân tỉnh Bình Định). Thông tin ban đầu, tàu nước ngoài chở hàng tên FORTUNEIRS, quốc tịch Hồng Kông - Trung Quốc, mang số IMO9340556 đã phát hiện ba ngư dân trôi dạt trên biển và hỗ trợ cứu nạn. Lúc 0 giờ ngày 30-10 tàu FORTUNEIRS đã chuyển ba ngư dân tàu BĐ 97469 TS sang cho tàu cứu nạn - Kiểm ngư 490. Bước đầu, lực lượng chức năng xác minh được các thuyền viên là: Lê Minh Don (SN 2000); Huỳnh Xuân Phi (SN 1985) và Võ Văn Hoài (SN 1985), hiện sức khỏe các ngư dân này tạm ổn. Các lực lượng tiếp tục triển khai tìm kiếm 23 ngư dân còn lại.
Khẩn trương tìm kiếm 21 nạn nhân mất tích do sạt lở đất ở Quảng Nam
Sáng 30-10, lực lượng chức năng đã tìm thêm được hai thi thể ở thôn 1 xã Trà Leng bị vùi lấp dưới lớp bùn đất sâu. Như vậy, tính đến trưa 30-10, lực lượng chức năng đã cứu được 33 người, tìm thấy tám thi thể, 14 người hiện còn mất tích. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tại thôn 1 xã Trà Leng có đến 15 hộ gia đình với 55 người chết và mất tích, tăng hai người so với con số ban đầu là 53 người. Ngoài lực lượng hiện có, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng tại chỗ tăng cường công tác tìm kiếm suốt ngày đêm. Trong ngày 30-10, theo đề nghị của Quân khu 5 và tỉnh Quảng Nam, Bộ Quốc phòng đã tăng cường thêm lực lượng, phương tiện gồm 14 cán bộ cùng thiết bị flycam, ba chó nghiệp vụ để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Ngày hôm nay (31-10), khi quân đội tăng cường lực lượng hỗ trợ, công tác tìm kiếm người mất tích sẽ được triển khai nhanh hơn.
* Sáng 30-10, Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn vụ sạt lở đất ở huyện Phước Sơn đã họp bàn phương án tiếp cận hiện trường tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Đây không chỉ là vụ sạt lở đất đơn thuần mà là một trận lũ quét cho nên công tác tìm kiếm, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, việc tiếp cận hiện trường của lực lượng bên ngoài rất khó khăn và nguy hiểm do có nhiều điểm sạt lở, suối chảy xiết nên có khả năng gây thương vong cho đoàn tìm kiếm cứu nạn. Dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi, lực lượng quân đội có thể đưa máy bay để tiếp cận hiện trường nhanh nhất. Tính đến 14 giờ ngày 30-10, vẫn còn 6 nạn nhân chưa được tìm thấy.
* Sáng 30-10, UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, xã Trà Mai vừa xảy ra vụ sạt lở khiến một người mất tích, một người bị thương nặng. Hiện địa phương đang huy động lực lượng để tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Tiếp tục hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai
Ngày 30-10, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu 800 thùng hàng gia đình, 500 bộ dụng cụ sửa nhà, 1.000 tấm bạt, 800 hộp bột lọc nước và một tỷ đồng để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tổng giá trị tiền và hàng cứu trợ đợt này gần 2,6 tỷ đồng.
* Chiều 30-10, tại Hà Nội, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tiếp nhận ủng hộ đồng bào miền trung bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt từ các doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức, cá nhân với số tiền và hàng trị giá hơn bảy tỷ đồng.
* Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đã thăm, động viên và trao kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, mỗi tỉnh 400 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái đã vận động được hơn 50 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu chuyển đến tỉnh Quảng Bình nhằm hỗ trợ đồng bào đang bị thiệt hại do mưa lũ.
* Ngày 30-10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định phân bổ 10.500 kg lương khô từ nguồn hỗ trợ của Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng hỗ trợ tỉnh để khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương, đơn vị, giúp nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.
* Chiều 30-10, Tổng công ty Điện lực miền trung đã trao 300 triệu đồng hỗ trợ người dân Phú Yên bị thiệt hại do bão số 9. Tại hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, đơn vị này hỗ trợ mỗi tỉnh 500 triệu đồng. Ngoài ra, cũng từ nguồn quỹ phúc lợi, đơn vị trích 800 triệu đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân viên điện lực ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.