Các tỉnh Nam Trung Bộ khắc phục hậu quả mưa, lũ

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, đến 16 giờ ngày 15/10, tại thành phố Đà Nẵng còn huyện Hòa Vang ngập úng cục bộ ở một số khu vực thấp trũng ven sông Túy Loan, sông Cu Đê.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban nhân dân xã Phú Diên, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) huy động lực lượng gần 150 người, dùng bao cát để xử lý điểm sạt lở tại đường ra bãi tắm Phú Diên.
Ủy ban nhân dân xã Phú Diên, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) huy động lực lượng gần 150 người, dùng bao cát để xử lý điểm sạt lở tại đường ra bãi tắm Phú Diên.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngập úng cục bộ tại sáu huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng giảm chậm. Tại thành phố Đà Nẵng, người dân sơ tán đã về nhà, còn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện vẫn còn 356 người sơ tán.

Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 17/10, ở khu vực từ nam Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50 đến 250 mm, có nơi trên 300 mm; riêng khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 250 đến 450 mm, có nơi trên 700 mm.

Đến ngày 18/10, trên các sông ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3 đến 8 m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động 1, báo động 2, có sông trên mức báo động 2; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi lên mức báo động 2 đến báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.

Theo dự báo, do ảnh hưởng vùng áp thấp ở Biển Đông từ sáng 16/10, ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.

Sáng 15/10, đoàn công tác Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lớn tại thành phố Đà Nẵng.

Theo dự báo, từ nay đến sáng 17/10, Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 150 đến 300 mm, có nơi trên 400 mm. Đoàn công tác đề nghị thành phố cần đề phòng mưa với cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng thấp và đô thị.

Từ chiều 15/10, Đà Nẵng tiếp tục có những đợt mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa phổ biến trong đợt này trên 1.000 mm, một số nơi như bán đảo Sơn Trà, Hòa Phú, Hòa Bắc thuộc huyện Hòa Vang trên 1.100 mm. Tình trạng ngập lụt, ngập cục bộ tại các tuyến đường, khu vực trũng thấp tiếp tục xảy ra trong chiều tối với hàng trăm điểm, có nơi ngập 1 đến 1,5 m.

Công an Đà Nẵng huy động 100% quân số ứng trực với hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ tiếp tục hỗ trợ giúp dân, tổ chức phân luồng hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường, điểm ngập nước, sạt lở.

Ngày 15/10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế mưa giảm cường độ nên các tuyến đường ngập úng ở thành phố Huế giảm. Tuy nhiên, đã xảy ra sạt lở bờ sông Hương tại Long Hồ Thượng 2, phường Hương Hồ chiều dài 50 m; ở huyện Quảng Điền xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ sông gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Cụ thể, đoạn sạt lở ở thôn Mai Dương, xã Quảng Phước có chiều dài 50 m, UBND huyện đã sử dụng 50 m3 đá, 25 rọ sắt và huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục. Tại xã Quảng Phú, tuyến kè dọc sông Bồ bị sạt lở 3 điểm dài 20 m; đoạn bờ sông qua gần nhà văn hóa thôn Phú Lễ sạt lở 100 m, ảnh hưởng đến đường giao thông liên thôn. Địa phương đã cắm biển cảnh báo, rào chắn nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện…

Sau khi khắc phục sự cố, sáng ngày 15/10 đèo Hải Vân đã thông đường. Trước đó, khoảng 13 giờ 50 phút ngày 13/10, ta-luy dương đèo Hải Vân tại Km 905+600 (địa phận Đà Nẵng) bị sạt lở. Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) đề nghị đơn vị quản lý tuyến và lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, sạt lở để kịp thời có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện qua đèo.

Ngày 15/10, Thủy đoàn 1, Cục Cảnh sát giao thông phối hợp Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) tặng hơn 100 phần quà cho người dân bị ảnh hưởng vì mưa lớn, gồm các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hằng ngày.

Mưa lớn kéo dài tại Quảng Nam đã làm Quốc lộ 14H, đoạn qua địa phận xã Duy Sơn và xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) ngập sâu 0,3m-0,7m, gây ách tắc giao thông. Tuyến ĐT 615 đoạn qua xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh) và đoạn qua xã Tam Thăng (thành phố Tam Kỳ) ngập sâu từ 0,7-1m.

Tại thành phố Tam Kỳ, trong ngày 15/10, mưa to kéo dài đã làm nhiều tuyến đường chính ngập sâu, có vị trí ngập hơn 0,5m khiến nhiều phương tiện lưu thông khó khăn. Trong chiều nay, lực lượng chức năng của thành phố đã di dời nhiều hộ dân ở khu vực trũng thấp tại phường An Sơn đến nơi an toàn.

Theo dự báo từ nay đến ngày 17/10, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to, có nơi trên 500 mm. Các sông trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 4,0-7,0m, hạ lưu đạt từ 1,0-3,0m.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phát công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm; triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.