Chỉ 6,5% cụm công nghiệp xả thải đúng chuẩn
Tính đến năm 2012, cả nước có 289 khu công nghiệp trong đó có 179 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút gần 5.000 dự án đầu tư.
Tuy nhiên chỉ có 143 khu công nghiệp đã vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT), trong đó chỉ có 84 khu công nghiệp đã hoàn thành việc đấu nối nước thải từ tất cả các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp vào HTXLNTTT, chiếm tỷ lệ 59%.
Rất nhiều khu công nghiệp đã lấp đầy 70-100% nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng HTXLNTTT, xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng các vùng xung quanh (khu công nghiệp Trà Nóc, Thốt Nốt tại Cần Thơ, khu công nghiệp Trần Quốc Toản tại Đồng Tháp, khu công nghiệp Vũng Áng tại Hà Tĩnh..).
Tại một số khu công nghiệp cũng có các cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động trước khi hoàn thiện HTXLNTTT. Các cơ sở này đã có công trình xử lý nước thải riêng nên không muốn đấu nối nước thải vào HTXLNTTT của khu công nghiệp.
Theo thống kê, lượng nước thải chưa qua HTXLNTTT xả thẳng ra nguồn nước là khoảng 42%. Kết quả quan trắc phân tích nước thải các khu công nghiệp năm 2012 cho thấy, đối với các khu công nghiệp chưa có HTXLNTTT, tất cả 18 thông số ô nhiễm đều vượt quá quy định cho phép trên hai lần.
Đối với các cụm công nghiệp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường rất kém, chỉ có 40/614 cụm công nghiệp đang hoạt động có HTXLNTTT, chiếm tỷ lệ 6,5%.
Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về môi trường đã có tác động tích cực, cơ bản đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên một số văn bản còn thiếu tính liên kết, chồng chéo, mâu thuẫn. Một số quy định không phù hợp thực tế, không có tính khả thi. Việc bố trí và phân bổ 1% nguồn kinh phí của tỉnh phục vụ công tác quản lý vào bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới yếu kém.
Thực tế cơ chế phối hợp giữa ban quản lý khu công nghiệp với các tổ chức quản lý môi trường nhà nước tại địa phương còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó do các cụm công nghiệp được hình thành tự phát nên sự quản lý không tập trung, không có đơn vị đầu mối quản lý rõ ràng. Kinh phí đầu tư hạ tầng của cụm công nghiệp phần lớn là từ ngân sách mà ngân sách không thường xuyên nên tất yếu dẫn đến việc đầu tư khuyết hạ tầng bảo vệ môi trường.
Ô nhiễm làng nghề: Khó xử lý dứt điểm
Sau 10 năm thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ -TTg về việc phê duyệt “kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, đến nay, mới chỉ có hai làng nghề trong tổng số 15 làng nghề thuộc Nghị định 64 xử lý triệt để ô nhiễm...Hai làng nghề được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để là làng nghề xã Đông Hưng (Đông Sơn, Thanh Hóa) và làng nghề tinh lọc bột sắn xã Thúy Dương (Thừa Thiên - Huế).
Tại Hà Nội, nơi có nhiều làng nghề nhất cả nước, TP còn dự kiến chi khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kì Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Từ Liêm)... nước thải phát sinh do quá trình rửa tẩy các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày, thường không được xử lý đã xả trực tiếp ra môi trường.
Theo Đại tá Nguyễn Sỹ, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề đều không có khả năng xây dựng các hệ thống xử lý nước thải. Chất thải từ hoạt động sản xuất của các làng nghề nhìn chung được cả trực tiếp ra mương, ao, hồ, ruộng lúa mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào.
Tại hầu hết các làng nghề thủ công truyền thống hiện nay nhiên liệu được sử dụng phổ biến là than củi, than đá, khí thải có hàm lượng lớn các thành phần độc hại là tác nhân gây hiệu ứng nhà kính. Kết quả phân tích chất lượng nước thải cho thấy tại các làng nghề tái chế kim loại đều vượt tiêu chuẩn cho phép.
Có thể nói, mặc dù đã có hẳn một hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề môi trường cùng hàng loạt các vụ thanh kiểm tra mỗi năm song vấn đề môi trường ở các khu công nghiệp lẫn nơi sản xuất thủ công truyền thống đều yếu kém về khâu xử lý nước thải.
Vấn đề đặt ra ở đây đó là tính chế tài của các văn bản này còn hạn chế, mức xử phạt chưa nghiêm, tính hình sự hóa chưa cao.