Các tỉnh Bắc Trung Bộ nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2022 tuy phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức song nhờ nhận diện đúng tình hình, chủ động thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp “mở đường” cho các công trình, dự án cho nên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh khá toàn diện và cao hơn bình quân chung của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công cầu vượt đê La Giang dự án cao tốc bắc-nam đoạn qua Hà Tĩnh.
Thi công cầu vượt đê La Giang dự án cao tốc bắc-nam đoạn qua Hà Tĩnh.

Kết quả, nỗ lực vượt khó trong thời gian qua đang mở đường cho các địa phương mạnh dạn tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn được dự báo trong 2023 - năm bản lề của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Nhiều giải pháp quyết liệt

Những tháng đầu năm 2022, tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở Nghệ An khá chậm. Nguyên nhân được đưa ra là: Vướng mắc hồ sơ, thủ tục và mặt bằng...

Tuy vậy, vào cuối năm, tiến độ giải ngân tại địa phương này đã được tăng tốc với tổng số vốn đã giải ngân tính đến 31/1/2023 là 8.636 tỷ đồng, đạt 78,5% kế hoạch; nếu không tính các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mới bổ sung trong năm thì Nghệ An giải ngân đạt gần 85%. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương đã giải ngân đạt 83% (không tính các nguồn vốn mới bổ sung trong năm 2022) và nguồn ngân sách địa phương đạt 86,6%.

Bên cạnh việc chủ động xây dựng kế hoạch vốn sát với thực tế, tỉnh Nghệ An đã xây dựng lộ trình, đường găng tiến độ chi tiết cho từng địa phương, đơn vị. Ngay từ đầu năm, tỉnh thành lập các tổ công tác do các phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng cùng giám đốc các sở, ban, ngành liên quan để theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc tiến độ các dự án theo từng lĩnh vực.

Tổ công tác, đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra thực tế hiện trường các dự án và làm việc với chủ đầu tư để hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Hằng tháng, chủ đầu tư phải báo cáo tiến độ thực hiện và cam kết giải ngân tháng tiếp theo cho từng dự án.

Tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban xây dựng cơ bản toàn tỉnh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nghệ An thực hiện năm đợt rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022, trong đó, điều chỉnh giảm 36 dự án giải ngân chậm với số vốn hơn 235 tỷ đồng để bổ sung cho 30 dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Cứ 10 ngày một lần, tổng hợp kết quả giải ngân và thông báo đến từng giám đốc các sở, ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã về kết quả giải ngân của đơn vị mình nhằm đôn đốc, chỉ đạo kịp thời.

Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức cuộc gặp mặt giữa các chủ mỏ, nhà quản lý cùng các nhà thầu để đưa ra giải pháp “hạ nhiệt” giá vật liệu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành chỉ thị, gắn trách nhiệm, lấy kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công để đánh giá mức độ hoàn thành của người đứng đầu và của các đơn vị, địa phương.

Là đơn vị giải ngân 100% số vốn đầu tư công trong năm 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh cho biết, bí quyết để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là phải bám sát, tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư…; tiếp đó là lựa chọn nhà thầu có năng lực về tài chính, nhân lực, trang thiết bị và kinh nghiệm thi công; đặc biệt, phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng…

Với những giải pháp quyết liệt nêu trên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh đạt 92,4% trong tổng số vốn đầu tư là 9.000 tỷ đồng, thuộc vào tốp đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc thi công các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc bắc-nam đoạn qua địa phận Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh; nâng cấp quốc lộ 7, đoạn từ Diễn Châu đến Đô Lương... giúp các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch đã cam kết.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa cho biết, năm 2022, Thanh Hóa được phân cấp quản lý hơn 12 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công. Cùng với việc chủ động chuẩn bị các thủ tục đầu tư, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa phân bổ vốn đầu tư công từ cuối năm trước cho chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Trong quá trình phân bổ nguồn vốn, tỉnh Thanh Hóa ưu tiên khâu đột phá bằng việc bố trí khoảng 70% vốn đầu tư công phát triển mạng lưới giao thông, đầu tư hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm. Nhờ đó, nhiều đoạn, tuyến giao thông đã, đang hoàn thành kết nối được đầu tư nhằm tăng cường kết nối giữa các vùng, miền, khu kinh tế, đô thị; thúc đẩy, khơi thông dòng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế...

Nhiều tuyến giao thông trục chính cùng các hạng mục hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh tế Nghi Sơn dần hoàn thiện, qua đó đã góp phần giúp Thanh Hóa thu hút các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cùng đầu tư, khai thác hạ tầng.

Năm nay, Thanh Hóa có thêm nguồn điều tiết ngân sách tăng thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu để xây dựng các khu tái định cư, thực hiện di dân, sắp xếp dân cư, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo mặt bằng sạch thu hút nhà đầu tư lớn vào khu vực này. Cùng với các giải pháp mạnh, quyết liệt liên quan, Thanh Hóa cũng lọt vào tốp những tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước.

Ở Nghệ An và Hà Tĩnh, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, khơi thông các dòng vốn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho từng tỉnh và khu vực.

Trong những công trình trọng điểm hoàn thành phải kể đến là cầu Cửa Hội, tuyến đường ven biển Nghệ An nối với Hà Tĩnh; tuyến đường 70m Vinh-Cửa Lò, tuyến đường Mường Xén-Ta Đo-Khe Kiền; Công trình thủy lợi Bara Đô Lương; Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng cho các xã bị ảnh hưởng bởi ngập lụt tỉnh Hà Tĩnh; Dự án Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang (giai đoạn 2); các công trình thủy lợi, chống ngập úng thành phố Vinh, thành phố Hà Tĩnh, các vùng thấp trũng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện lãnh đạo các tỉnh cũng thẳng thắn cho rằng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vẫn chưa đạt kỳ vọng. Ngoài lý do khách quan như: Do ảnh hưởng của biến động giá; năm 2022 là năm thứ hai của giai đoạn 2021-2025, nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn cho nên các công trình dự án mới cơ bản hoàn thiện khâu chuẩn bị đầu tư.

Trong khi đó, quy trình, thủ tục chuẩn bị đầu tư mất khá nhiều thời gian, nhất là việc đấu thầu tư vấn, tổ chức lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, đấu thầu xây lắp..., nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, năng lực quản lý dự án còn hạn chế, yếu kém. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của nhiều địa phương, có nơi còn lúng túng, chưa kịp thời, bị động, thiếu quyết liệt.

Thời gian thẩm định hồ sơ các dự án khởi công mới chưa rút ngắn; năng lực tư vấn lập dự án còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều nhà thầu chưa tập trung máy móc, nhân lực thi công theo hồ sơ trúng thầu, hoàn ứng vốn còn thấp và tình trạng tồn đọng dự án hoàn thành chưa quyết toán vẫn còn lớn... Một yếu tố nữa gây tác động không nhỏ là thiếu vật liệu đáp ứng yêu cầu thi công, ảnh hưởng đến tiến độ.

Bên cạnh đó, do một số nguồn vốn đầu tư được trung ương bổ sung muộn cho nên các địa phương bị động trong xây dựng kế hoạch triển khai. Thí dụ tại Nghệ An, đến tháng 10/2022, địa phương mới được bố trí 320 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội khiến một số dự án không kịp hoàn thành thủ tục để giải ngân.

Cùng với đó, tốc độ giải ngân đối với các dự án ODA ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đều thấp mà nguyên nhân chủ yếu là do quy trình phải triển khai nhiều thủ tục theo quy định của Việt Nam và của nhà tài trợ nước ngoài, nhất là quy trình xin ý kiến không phản đối của nhà tài trợ đối với phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như công tác đấu thầu, cho nên mất nhiều thời gian hơn so với các dự án trong nước.