Hội nghị do Việt Nam tổ chức với vai trò Chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 2022-2023, tập trung vào ba nhóm chủ đề chính: Rà soát thực trạng ngành xuất bản các nước thành viên ABPA; Đề xuất các hướng thúc đẩy hợp tác nội khối; Thảo luận và quyết định vai trò chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024-2025.
Tham dự hội nghị có đoàn các nước thành viên ABPA gồm đại diện những người làm xuất bản trong khu vực Đông Nam Á; đại diện các cơ quan, đơn vị trong nước như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh…
Với tư cách Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2022-2023, Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra 3 đề xuất chính nhằm thúc đẩy hợp tác trong khối. Thứ nhất là tiếp tục nghiên cứu thực hiện sáng kiến “One ASEAN”, thông qua Hiệp hội thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa nhà xuất bản của các nước, từ đó học hỏi kinh nghiệm, trao đổi bản quyền trong khu vực, thực hiện mục tiêu làm đa dạng bản sắc ASEAN, đưa khu vực thành trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới.
Thứ hai là thành lập trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA nhằm giới thiệu sách của các nhà xuất bản thuộc các hiệp hội thành viên, góp phần thúc đẩy giao dịch bản quyền nội khối và chia sẻ thông tin để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm bản quyền.
Các đại biểu quốc tế tham gia Hội nghị. |
Các đề xuất này được nhiều thành viên khác tán thành. Đại biểu Malaysia cho rằng trong lịch sử 18 năm qua, các thành viên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á đã rất nỗ lực trong việc phát triển ngành xuất bản của đất nước mình, tuy vậy vẫn chưa có sự nỗ lực chung.
“Trước khi có thể tiến ra thế giới, bản thân các nước trong ASEAN cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau. Và thay vì chờ đợi đối tác từ các khu vực khác trên thế giới tìm đến, chúng ta có thể tự mình làm điều đó, như tổ chức các hội sách trong khối ASEAN, cùng nhau tham gia hội sách lớn trên thế giới. Bằng cách làm việc cùng nhau, cố gắng cùng nhau, tôi tin rằng chúng ta sẽ có nhiều sức mạnh hơn”, đại biểu Malaysia bày tỏ.
Đề xuất thứ ba của Hội Xuất bản Việt Nam là Giải thưởng sách ASEAN, theo đó Ban giám khảo sẽ là Chủ tịch của tất cả các hiệp hội thành viên ABPA, quyết định các nguyên tắc, tiêu chuẩn để lựa chọn sách viết về chủ đề ASEAN (bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ địa phương có dịch sang tiếng Anh).
Ý tưởng về Giải thưởng sách ASEAN cũng thu hút nhiều sự chú ý của các hiệp hội thành viên. Đây cũng là ý tưởng được các đại biểu mong muốn hiện thực hóa trong nhiệm kỳ sắp tới.
Trong khi số đại biểu cho rằng khác biệt ngôn ngữ sẽ là một khó khăn trong việc xem xét giải, đại biểu Singapore đề xuất rằng có thể học hỏi cách làm từ giải Nobel văn học để tìm ra tác phẩm xứng đáng nhất trong khối ASEAN.
“Tôi tin rằng tác giả tài năng có ở khắp các nước ASEAN, điều cần làm là chúng ta có được cách thức, tiêu chí chấm giải phù hợp, điều chúng ta có thể học hỏi từ thế giới, theo tiêu chuẩn văn chương thế giới, và nguồn kinh phí cho giải thưởng nhằm khuyến khích các tác giả trong khối”, ông Edmund Wee - Chủ tịch Hội xuất bản Singapore - chia sẻ quan điểm và hứa hẹn sẽ cùng đại diện các nước bàn bạc sâu hơn nhằm sớm triển khai ý tưởng này.
Bên cạnh đó, ông Sheikh Faisal Sheikh Mansor - Chủ tịch Hội xuất bản Malaysia - đề xuất, sau Giải thưởng sách ASEAN, Hiệp hội có thể đưa danh sách các tác phẩm xuất sắc từ các nước thành viên đến những hội sách lớn trên thế giới, góp phần quảng bá ngành xuất bản và bản sắc văn hóa ASEAN.
Nếu trở thành hiện thực, Giải thưởng sách ASEAN là cơ hội lớn để giới thiệu các tác phẩm Việt Nam ra khu vực và thế giới, đặc biệt là các tác phẩm đã giành giải cao tại Giải Sách Quốc gia các năm. Đồng thời, Giải thưởng sách ASEAN cũng tạo cơ hội cho độc giả Việt Nam biết đến và tiếp cận những tác phẩm hay của cộng đồng ASEAN.
Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA) và các hoạt động bên lề Hội nghị do Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 14 đến 16/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.